Mô hình các cấp độ tư duy của việc học tập và thay đổi
Ông Robert Dilts (một nhà phát triển, tác giả, nhà đào tạo và nhà tư vấn trong lĩnh vực Lập trình Ngôn ngữ Tư duy NLP) đã xây dựng nên mô hình các cấp độ tư duy của việc học tập và thay đổi.
Theo đó, việc học tập và thay đổi có thể diễn ra ở 6 cấp độ khác nhau (xếp từ cao nhất xuống thấp nhất) gồm:
1. Tâm linh (Spiritual)
Đây là cấp độ sâu nhất khi chúng ta xem xét và hành động từ những câu hỏi siêu hình. Vì sao chúng ta lại ở đây? Mục đích của chúng ta là gì? Cấp độ tâm linh dẫn dắt và tạo hình cho cuộc sống cũng như làm nền móng cho sự tồn tại của chúng ta.
2. Nhận dạng (Identity)
Đây là nhận thức nền tảng về bản thân, giá trị cốt lõi và sứ mệnh trong cuộc đời.
3. Niềm tin và các giá trị (Belief and Values)
Những quan niệm khác nhau mà bạn cho là đúng và sử dụng làm nền tảng cho những hoạt động thường nhật. Niềm tin có thể vừa là những sự cho phép vừa là những giới hạn.
4. Năng lực (Capabilities)
Đây là những nhóm hay tập hợp các hành vi, kỹ năng chung và chiến lược mà chúng ta sử dụng trong cuộc sống.
5. Hành vi (Behavior)
Những hành động cụ thể mà chúng ta tiến hành bất kể năng lực của chúng ta thế nào.
6. Môi trường (Environment)
Chúng ta phản ứng lại với cái gì, những thứ xung quanh chúng ta và những người mà ta gặp.
Trong cuốn sách “NLP căn bản” (NXB Lao động Xã hội), nhà tư vấn Joseph O'Connor và nhà tâm lí học John Seymour đã giới thiệu và phân tích rất kỹ về mô hình các cấp độ tư duy nói trên.
Theo phân tích của Joseph O'Connor và John Seymour, thay đổi ở cấp độ thấp hơn không nhất thiết phải tạo ra bất kỳ thay đổi nào ở cấp độ cao hơn.
Trong khi đó, thay đổi ở những cấp độ cao hơn sẽ luôn ảnh hưởng đến những cấp độ thấp hơn. Sự ảnh hưởng sẽ sâu rộng và lâu dài hơn. (Tâm linh→Nhân dạng→Niềm tin và các giá trị→Năng lực→Hành vi→Môi trường)
Hai tác giả Joseph O'Connor và John Seymour rút ra kết luận, nếu bạn muốn thay đổi hành vi, hãy thay đổi năng lực hoặc niềm tin. Nếu thiếu năng lực, hãy tác động vào niềm tin. Niềm tin quyết định năng lực và khả năng quyết định lựa chọn hành vi mà sau đó sẽ hình thành môi trường xung quanh của chúng ta. Xét về ảnh hưởng của môi trường thì môi trường có tính khuyến khích rất hữu ích, còn môi trường thù địch sẽ khiến thay đổi khó thực hiện hơn.6 cấp độ này có sự liên quan hữu cơ với nhau. Các cấp độ thấp hơn có vai trò làm động lực cho cấp độ cao hơn. Hai tác giả Joseph O'Connor và John Seymour khẳng định, rất khó thay đổi ở cấp độ Nhân dạng hay cao hơn nếu không có niềm tin hay năng lực làm động lực cho bạn. Cũng giống như việc một doanh nhân tin rằng mình sẽ trở thành giám đốc hàng đầu thôi chưa đủ - anh ta cần thực hiện các hành động tương ứng để hỗ trợ cho niềm tin đó. Niềm tin mà không có năng lực và hành vi cũng giống như lâu đài xây trên cát.
Áp dụng mô hình 6 cấp độ tư duy trong nuôi dạy con
Một điều quan trọng được hai tác giả Joseph O'Connor và John Seymour chỉ ra trong cuốn sách “NLP căn bản” là, bất kỳ thay đổi nào ở cấp độ Tâm linh - cấp độ sâu nhất - cũng sẽ gây ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả các cấp độ khác.
Từ hiểu biết này, chúng ta dễ thấy rằng khi chúng ta suy nghĩ về việc tại sao chúng ta có mặt trên đời này, mục đích của cuộc đời chúng ta là gì - tức là suy nghĩ từ cấp độ Tâm linh và bắt đầu thay đổi từ đó thì sẽ tác động đến các cấp độ thấp hơn.
Khi hiểu về mô hình 6 cấp độ tư duy, chúng ta cũng hiểu được tại sao nhiều chuyên gia giáo dục và tâm lý trên thế giới ủng hộ quan điểm dạy con ngay từ nhỏ với định hướng con biết khám phá, trân trọng và chia sẻ giá trị riêng của bản thân trong suốt cuộc đời. Xét theo mô hình 6 cấp độ tư duy, khi chúng ta nuôi dạy con hướng đến việc con có thể cống hiến cho cộng đồng thông qua những tài năng độc đáo của con chính là chúng ta đang giúp con hình thành cấp độ Tâm linh. Và vì đây là cấp độ cao nhất trong mô hình 6 cấp độ tư duy, cho nên nó sẽ tác động đến các cấp độ tư duy khác ở con đó là Nhân dạng, Niềm tin và các giá trị, Năng lực, Hành vi và Môi trường.
Có một điều các bố mẹ cần lưu ý là, trong quá trình nuôi dạy con lớn lên, dù không có chủ định, bố mẹ vẫn thường tác động đến hai cấp độ tư duy ở con là Nhân dạng, Niềm tin và các giá trị. Đó là việc bố mẹ “định nghĩa” con là ai, vai trò của con là gì (Nhận dạng); bố mẹ tin rằng con có khả năng gì (Niềm tin) và bố mẹ coi trọng những điều gì (các giá trị) sẽ tác động đến (cấp độ) Năng lực, Hành vi của con cũng như cách con phản ứng với Môi trường.
Dù cho bố mẹ không nói ra, nhưng bố mẹ luôn tác động đến cấp độ Nhân dạng và Niềm tin và các giá trị của con qua những lời nói, hành động, và phản ứng của bố mẹ hàng ngày. Do vậy ở đây, việc bố mẹ làm gương cho con là điều rất quan trọng để đảm bảo rằng những gì bố mẹ nói luôn đi đôi với những việc bố mẹ làm.
Xuân Vũ (Báo dân trí)