Kẻ nào chỉ khăng khăng đòi tiêu diệt kẻ khác thì kẻ ấy không thể nào tiến bộ được, và chỉ quanh quẩn mãi trong phạm vi thù hận, bạo lực mà thôi. Một hoàng đế chỉ nghĩ đến chiến tranh thì luôn luôn sợ hãi, bất an và không thể cai trị quốc gia hữu hiệu được.
Pharaoh Amenophis đang nói chuyện với hai vị võ quan đã già, râu tóc bạc phơ.
Một người chỉ vào tấm bản đồ trên vách, nói:
- Muốn hùng cường, chúng ta cần phải mở mang bờ cõi. Khi xưa, tiên đế đã từng mang quân chinh phạt Nubia, chiếm được nhiều hầm mỏ và tài nguyên thiên nhiên, làm giàu cho Ai Cập. Hiện nay, quốc vương xứ này đang có ý nhòm ngó nước ta, chúng ta cần khởi binh chinh phạt ngay thì mới mong toàn thắng...
Ông lão còn lại gật đầu nói thêm:
- Pharaoh vừa lên ngôi, cần có những thắng lợi to tát thì sự nghiệp mới vẻ vang được. Ở đời mạnh được yếu thua là lẽ tất nhiên. Lúc này binh lực chúng ta đang hùng cường, chúng ta cần lợi dụng cơ hội...
Pharaoh bình tĩnh nói:
- Luật của kẻ mạnh sẽ khiến cho xã hội trở thành một bãi chiến trường. Nếu mọi người tiếp tục chém giết lẫn nhau thì xã hội sẽ như thế nào?
- Nhưng thưa Pharaoh, đó là luật tự nhiên. Người ta tranh đấu để sống còn.
Pharaoh lắc đầu, ôn tồn nói:
- Các ông đã biết gì về luật tự nhiên? Nếu mạnh sống yếu chết thì sư tử là giống mạnh nhất ắt phải sống và hươu nai thuộc giống yếu đã phải chết hết, nhưng chúng đâu hề chết! Ta đã quan sát và suy nghiệm về điều này rất lâu. Luật của kẻ mạnh chỉ có giá trị giới hạn nhưng không phải là chân lý.
- Nhưng trong tự nhiên, sự tranh đấu là lẽ thường tình. Sư tử giết hươu nai thì chúng ta cũng giết người Hittites hay Nubia. Có thể chúng ta không giết sạch được họ nhưng nếu không tấn công thì họ cũng khởi binh đánh ta. Trong cuộc sống, kẻ nào gan dạ, liều lĩnh, kẻ đó thành công lớn...
Pharaoh lắc đầu:
- Chúng ta không phải là loài thú, chúng ta là người và con người thì hơn con thú ở chỗ là lương tâm.
- Xin Pharaoh xét lại, trong xã hội, người có lương tâm chẳng phải là người thành công nhất. Phần lớn những người lanh lợi, có mưu lược và thủ đoạn mới chiếm được các địa vị khả quan. Những người giàu sang, có quyền lực là những người khôn ngoan, quỷ quyệt, dám làm tất cả mọi việc...
Pharaoh ngắt lời vị quan triều:
- Hiển nhiên họ là những kẻ có tâm hồn chai đá, không hề biết thương xót ai hết. Các ông đều là những kẻ có địa vị khả quan, giàu sang và có thế lực, nhưng có bao giờ các ông tự hỏi tại sao mình lại lên được địa vị như thế không?
Hai vị võ quan biết mình lỡ lời nên im bặt, lấm lét nhìn Pharaoh không biết phải xử trí ra sao. Pharaoh cũng im lặng nhìn họ không nói gì. Không khí trong phòng bỗng trở nên căng thẳng.
Một vị quan run rẩy:
- Xin Pharaoh ban chỉ thị... Kẻ này ngu dốt không hiểu ý ngài...
Pharaoh đột nhiên quay qua Horemheb hỏi:
- Ngươi thấy thế nào?
Horemheb thẳng thắn trả lời ngay:
- Pharaoh là người đã được thần linh chọn lựa để chỉ huy Ai Cập. Bất kể ngài quyết định thế nào, Horemheb này cũng triệt để tuân theo. Nếu ngài ban chỉ thị thì kẻ này sẽ thi hành ngay.
Vừa nói, Horemheb vừa đặt tay lên đốc kiếm. Hình như hắn chỉ chờ Pharaoh hạ lệnh là ra tay ngay, nhưng Pharaoh đã lắc đầu, ôn tồn nói:
- Người cao cả là người không chà đạp lên những kẻ yếu đuối, hiếp đáp kẻ thế cô. Người cao cả là người biết thương yêu, giúp đỡ kẻ khác, biết hy sinh bản thân mình cho kẻ khác. Người cao cả là người có lòng nhân ái, biết bênh vực những kẻ khốn cùng, che chở kẻ yếu đuối. Một quốc gia hùng cường là quốc gia sản sinh ra những con người cao cả như vậy và một xã hội tiến bộ là xã hội xây dựng trên những căn bản nhân ái đó.
Trich sách Dấu chân trên cát - Nguyên Phong.