Phỏng vấn chuyên gia về Odoo - Nền tảng ERP thế hệ mới

Phỏng vấn chuyên gia về Odoo - Nền tảng ERP thế hệ mới

Odoo là một nền tảng quản trị doanh nghiệp all-in-one (tất cả trong một) với đầy đủ tính năng, khả năng cấu hình cao, có thể customize riêng cho từng doanh nghiệp, giao diện dễ sử dụng và hoạt động tốt trên nhiều thiết bị.

Most frequently asked questions about Odoo ERP

Đọc bài phỏng vấn của ITPlus Academy với anh Trần Quang Kiên - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Entrust để hiểu rõ thêm về Odoo Framework.

Anh có thể giải nghĩa cho mọi người có thể hiểu Odoo là gì không?

Odoo là một nền tảng quản trị doanh nghiệp all-in-one (tất cả trong một) với đầy đủ tính năng, khả năng cấu hình cao, có thể customize riêng cho từng doanh nghiệp, giao diện dễ sử dụng và hoạt động tốt trên nhiều thiết bị.

Ngoài góc độ kỹ thuật như trên, Odoo còn hàm chứa trong phần mềm của mình một framework (kiến trúc) quản trị hiện đại, quy trình quản lý doanh nghiệp khép kín giúp bất kỳ doanh nghiệp nào khi áp dụng Odoo cũng có thể cải thiện năng lực quản trị của mình (VD: Nhiều doanh nghiệp chưa biết cách quản lý kho nhưng khi hiểu cách Odoo thiết kế các module của kho như: xuất nhập, kiểm kê, quản lý serial,… thì hình dung ra được phương pháp quản lý để áp dụng cho doanh nghiệp của mình).


Odoo lấy cảm hứng từ con dao đa năng của quân đội Thụy Sỹ với hàng trăm tiện ích được bung ra khi cần thiết.

Theo anh những tính năng vượt trội của Odoo là gì?

Ngoài Odoo, hiện tại doanh nghiệp có 2 lựa chọn: 1 là các giải pháp quản trị lớn của nước ngoài như Oracle, SAP, Dynamics, 2 là các giải pháp trong nước.

So với Oracle, SAP, Odoo có 2 vượt trội chính:

  • Giao diện người dùng: Odoo có thể sử dụng trên nền tảng web, có thể xem được trên di động, các giao diện đều rất sạch sẽ, dễ dùng. Mỗi chức năng nhiều vụ khác nhau lại có kiểu giao diện khác nhau để phù hợp nhu cầu. SAP/Oracle/Dynamic do đã phát triển từ 30-40 năm trước nên giao diện rất khó dùng, khó cải tiến, phải cài đặt trên máy tính mới dùng được.
  • Cộng đồng rộng lớn: nhờ tính mở của Odoo nên cộng đồng có thể chia sẻ với nhau kinh nghiệm, module, tính năng,… để từ đó tiết kệm được thời gian phát triển. SAP/Oracle/Dynamic chỉ có giới hạn các partner được cấp quyền mới có thể customize, tính chia sẻ không cao.
  • Tốc độ phát triển tính năng của Odoo lớn hơn hẳn SAP/Oracle/Netsuite/MS Dynamics: Mỗi năm Odoo đều ra phiên bản mới với vô cùng nhiều tính năng mới, nổi trội.

So với các phần mềm trong nước (KioskViet, GetFly, Base, Sapo…)

  • Lượng tính năng trong Odoo lớn hơn gấp nhiều lần có thể đáp ứng tất cả nhu cầu của doanh nghiệp
  • Odoo có thể lớn lên cùng doanh nghiệp (ví dụ: khi doanh nghiệp nhỏ chỉ cần cài một số module, một có config, khi doanh nghiệp lớn hơn thì có thể tự cài thêm module và mở rộng), trong khi các phần mềm trong nước được thiết kế đóng, khi doanh nghiệp lớn lên phải tìm phần mềm khác thay thế nếu phần mềm cũ không phù hợp.

    Odoo thích hợp cho mọi quy mô doanh nghiệp, từ cửa hàng nhỏ, kinh doanh hộ gia đình cá thể cho đến các doanh nghiệp lớn, tập đoàn, nhà máy. Phương châm của Odoo là "Expand As You Grow" (Lớn đến đâu, mở rộng đến đó).
  • Odoo đạt tiêu chuẩn phần mềm quốc tế về tốc độ và tính ổn định. Phần mềm trong nước hay gặp vấn đề về crash khiến cho doanh nghiệp đang hoạt động thì treo phần mềm khiến quy trình bị đình trệ.

Những lợi ích của phần mềm quản trị doanh nghiệp Odoo là gì?

Hỗ trợ doanh nghiệp đưa được toàn bộ quy trình lên hệ thống để kiểm soát, điều chỉnh, nâng cao hiệu suất và theo kịp được sự phát triển công nghệ của thời kỳ 4.0. Không những thế áp dụng được Odoo cũng là áp dụng được mô hình quản trị rất hiệu quả và mạch lạc giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Học Odoo có khó không? Anh đã học phần mềm này như thế nào?

Odoo phát triển quá nhanh (mỗi năm thêm rất nhiều tính năng mới) nên không viết kịp các tài liệu hướng dẫn. Odoo có tới hơn 40 phân hệ với hàng nghìn cài đặt nên để tự học được Odoo là rất khó khăn. Bản thân Entrust mất hơn 2 năm để tiếp cận và hiểu được cách hoạt động và cách áp dụng Odoo vào doanh nghiệp.

Để tiếp cận được Odoo, các bạn nên đi từ nghiệp vụ - hiểu được doanh nghiệp có những nhu cầu quản lý gì, bản thân các doanh nghiệp có những phòng ban nào, quy trình của họ ra sao, hàng ngày họ đang phải xử lý chuyện gì – sau đó quay trở lại Odoo thì tự nhiên mọi người sẽ hiểu vì sao Odoo lại thiết kế như vậy và mỗi tính năng của Odoo dùng để giải quyết chuyện gì. Nhiều người tiếp cận Odoo từ các hướng dẫn tính năng trên Youtube thì sẽ mất thời gian hơn vì các hướng dẫn đó tương đối kỹ thuật, hiểu tính năng nhưng không hiểu tính năng đó tại sao lại được thiết kế như vậy thì cũng không thể hiểu và nhớ hết được.

Theo anh một Odoo developer cần có những kỹ năng gì?

Odoo developer khác với nhiều ngành lập trình khác ở mấy điểm:

  • Một Odoo developer phải hiểu cơ bản về nghiệp vụ của doanh nghiệp. Như nói ở trên, nếu không hiểu nghiệp vụ thì các bạn sẽ thấy Odoo rất khô cứng và không hiểu được ý đồ thiết kế của Odoo và không áp dụng được nó để giải các bài toán vận hành của doanh nghiệp
  • Hiểu Odoo – Odoo giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian lập trình (do được sử dụng nền tảng có sẵn) chính vì thế người lập trình phải hiểu Odoo để biết cái gì Odoo đã có, cái gì có thể customize, cái gì không nên customize,…

Sai lầm anh từng mắc phải khi chạy phần mềm Odoo là gì? Anh rút ra được kinh nghiệm gì cho mình?

Về mặt lập trình có mấy bài học lớn:

Odoo được áp dụng ở hàng trăm nghìn doanh nghiệp trên thế giới nên hầu như các nhu cầu của doanh nghiệp đều đã được giải quyết trên Odoo. Chính vì thế khi gặp một bài toán của doanh nghiệp, việc đầu tiên là bạn hãy đi tìm xem nó nằm ở đâu trên Odoo thay vì code mới từ đầu. Rất nhiều trường hợp Entrust code mới từ đầu rồi cuối cùng phát hiện ra Odoo đã giải quyết rồi và giải quyết tốt hơn cách lập trình của mình rất nhiều.

Giao diện của Odoo đã thiết kế vô cùng khoa học (về mặt hiệu năng), hạn chế customize vào giao diện của Odoo vì một phần Odoo không hỗ trợ nhiều, một phần là chưa chắc các bạn đã có phiên bản giao diện tốt hơn Odoo đang có. Chính vì thế, khi làm việc cùng doanh nghiệp hãy thuyết phục doanh nghiệp tập trung vào tính năng, đừng tập trung vào thay đổi giao diện của odoo.

Về ứng dụng Odoo tại doanh nghiệp có mấy bài học:

Không phải doanh nghiệp nào cũng áp dụng được Odoo – Nhiều doanh nghiệp chưa có quy trình cụ thể, chưa biết sử dụng công nghệ thì việc ứng dụng Odoo rất khó khăn. Nhưng doanh nghiệp như vậy cần được tư vấn và đào tạo một thời gian về công nghệ trước khi ứng dụng.

 Để triển khai được Odoo cần có bộ phận BA để phân tích đầu bài doanh nghiệp trước khi lập trình và hỗ trợ chuyển đổi doanh nghiệp sau khi lập trình. Nếu chỉ có mỗi coder lắng nghe doanh nghiệp rồi sau đấy lập trình theo ý tưởng của họ thì dễ gặp phải tình trạng không kiểm soát được hết các trường hợp xảy ra cũng như sau khi lập trình xong không có các kỹ năng để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi và sử dụng.

Không có phần mềm nào là hoàn hảo, vậy theo anh phần mềm Odoo còn có những hạn chế nào cần khắc phục?

Odoo cũng giống nhiều phần mềm khác, cũng có những hạn chế nhất định. Đó là không có tài liệu chính thống hướng dẫn chi tiết khiến mất rất nhiều thời gian để mày mò và tìm hiểu. Mỗi doanh nghiệp cần có 2-3 năm phát triển mới có thể tự tin triển khai dự án lớn với Odoo

Anh đánh giá thế nào về cơ hội nghề nghiệp của Odoo Developer? Mức lương của một Odoo Developer có hấp dẫn không?

Odoo đang phát triển hình ảnh rất tốt khiến rất nhiều doanh nghiệp đang bị thuyết phục để sử dụng Odoo thay vì các nền tảng khác. Đây chính là cơ hội cho các Developer trong ngành. Hiện tại lượng developer trong ngành còn rất hạn chế, hoặc nếu có cũng không được đào tạo đúng cách. Đây chính là cơ hội của các bạn lập trình được đào tạo và tư duy bài bản về Odoo. Mức lương của Odoo ngày càng hấp dẫn (trong điều kiện các bạn có thể đáp ứng được nhu cầu).

Anh có lời khuyên nào dành cho những người đang theo học Odoo framework không?

Hãy tìm một môi trường làm việc có nhiều người thực sự yêu thích và đam mê Odoo, ở môi trường đó bạn sẽ được kế thừa, được truyền cảm hứng và được học hỏi mỗi ngày. Odoo như một trò chơi nhiều level, mỗi khi bạn vượt qua được level thì lại có những thử thách lớn hơn để khám phá.

Ngoài ra hãy cân bằng nghiên cứu của mình với Odoo ở cả trên phương diện kỹ thuật và nghiệp vụ. Đừng quá nghiêng hẳn về lập trình vì nếu không hiểu nghiệp vụ thì bạn sẽ thấy Odoo rất khô khan và khó hiểu.

Cuối cùng là hãy giữ tinh thần chia sẻ. Odoo là mã nguồn mở và mã nguồn mở chỉ thực sự hữu ích và lớn mạnh khi có cộng đồng gồm nhiều thành viên với tinh thần không ngừng học hỏi, không ngừng chia sẻ lẫn nhau, giúp đỡ nhau.

Cảm ơn anh đã dành thời gian để chia sẻ những hiểu biết, những kinh nghiệm quý giá!

Tags