Trí tuệ cảm xúc (EQ) là khả năng nhận thức và đánh giá chính xác cảm xúc của bản thân và người khác. Những người có EQ cao có thể tiếp cận, khơi gợi cảm xúc, hiểu được các tín hiệu phi ngôn ngữ và điều chỉnh cảm xúc để xây dựng các mối quan hệ bền chặt hơn. Là nhà tâm lý học được đào tạo ở ĐH Harvard, Tiến sĩ Cortney S.Warren đã có những nghiên cứu về vấn đề này. Bà phải thừa nhận rằng EQ chính là chìa khoá để mỗi cá nhân có được thành công trong cuộc sống và nghề nghiệp.
Vậy làm sao để biết được trình độ EQ của bản thân ở mức nào để có cách rèn luyện. Để đo lường điều này, chuyên gia tâm lý Cortney đã chỉ rõ: Nếu thường xuyên sử dụng các cụm từ này trong giao tiếp, bạn là người có trí tuệ cảm xúc thấp cần sửa chữa ngay.
1. Tôi không thay đổi. Đây là con người tôi
Trí tuệ cảm xúc có thể cải thiện theo thời gian bạn học hỏi và trưởng thành. Những người có EQ thấp thường rất cứng nhắc và có thói quen chống lại những thay đổi và phát triển. Bà Cortney cho rằng việc bạn tin vào bản thân mình là tốt nhưng cởi mở với những điều mới mẻ cũng rất quan trọng.
Thay vì phủ nhận những lời góp ý, bạn có thể nói: “Tôi cần suy nghĩ nhiều hơn về những gì bạn góp ý. Tôi sẵn sàng đón nhận những phản hồi về bản thân ngay cả khi khó nghe”.
2. Tôi không quan tâm bạn cảm thấy thế nào
Việc coi thường cảm xúc của người khác là dấu hiệu của trí tuệ cảm xúc thấp. Việc thiếu sự đồng cảm với người khác, đặc biệt là khi đối phương trải qua giai đoạn khó khăn sẽ khiến việc phát triển các mối quan hệ đi vào bế tắc.
Trong trường hợp này chuyên gia Cortney gợi ý cách đối đáp: “Tôi rất lấy làm tiếc khi bạn đang cảm thấy khó chịu. Bây giờ tôi có thể giúp gì cho bạn?”
3. Đây là lỗi của bạn
Người có EQ cao không đổ lỗi cho bất kỳ ai. Họ hiểu rằng cảm xúc của bản thân có liên quan đến cách nhìn nhận về hoàn cảnh đang xảy ra. Do đó thay vì đổ lỗi cho người khác, bạn nên nói: “Bây giờ tôi đang cảm thấy không ổn. Tôi thấy tình hình hiện tại là như thế này…”
4. Bạn sai rồi
Tiến sĩ Cortney cho rằng người có EQ cao sẽ không bị mắc kẹt trong tâm trạng cực đoan. Thay vào đó, họ sẽ tập trung nhiều vào việc tìm hiểu trải nghiệm, cảm nhận của người khác. Vậy nên khi bất đồng quan điểm, người có trí tuệ cảm xúc cao thường nói: “Tôi muốn nghe quan điểm của bạn ngay cả khi chúng ta không chung suy nghĩ. Bạn có thể chia sẻ nhiều hơn về vấn đề này?”
5. Bạn đừng có làm khùng làm điên nữa
Hiểu cảm xúc của người khác mà không phản ứng thái quá hoặc coi đó là chuyện của cá nhân là dấu hiệu của người có trí tuệ cảm xúc. Trong trường hợp đối phương không thể làm chủ được bản thân, người EQ cao sẽ nói: “Tôi biết bạn đang không bình tĩnh và khó chịu. Nhưng bạn không nên phản ứng như vậy vì khó đạt được bất kỳ mục đích gì. Hãy ngồi xuống đây và nói chuyện”.
6. Tôi không thể tha thứ cho bạn
Những người thông minh về mặt cảm xúc thường đặt mình vào vị trí của người khác. Điều này khiến họ cởi mở hơn trong việc tha thứ cho người khác về bất kỳ lỗi lầm nào gây ra.
Nếu người khác mắc lỗi, thay vì phản ứng thái quá, bạn có thể nói nhỏ nhẹ: “Bây giờ tôi rất khó để tha thứ cho bạn. Song tôi đang cố quên đi những cảm xúc tiêu cực vì không muốn mất đi mối quan hệ này”.
7. Bạn thật vô lý
Những người thông minh về mặt cảm xúc rất giỏi phân tích các khía cạnh hợp lý và phi lý trong suy nghĩ của họ. Họ cũng rất giỏi trong việc thừa nhận cảm xúc của người khác, ngay cả khi không hiểu rõ cảm xúc của mình. Nhìn chung, bạn không nên phủ nhận cảm xúc của người khác mà hãy nói: "Tôi biết hiện tại bạn đang cảm thấy thế nào và hiểu những cảm xúc đó bắt nguồn từ đâu. Tôi hoàn toàn hiểu tại sao bạn lại cảm thấy như vậy nhưng tôi muốn chúng ta cùng xoa dịu nó để mọi người thấy thoải mái hơn".