Review sách "Thói quen thứ 8 - Từ hiệu quả đến vĩ đại" của Stephen R. Covey

8 habits of highly effective people

Chắc hẳn rằng trong cuộc sống đầy áp lực trong thời đại VUCA,  bạn đã nghe thấy những lời than vãn “tôi hoàn toàn bế tắc, tôi không tìm được lối thoát nào cho bản thân”, “tôi không còn chút sức lực nào nữa”, “tôi cảm thấy nản lòng và không còn chút ý chí nào”, “cuộc sống của tôi đầy những khó khăn và thiếu thốn”, "làm thế nào để thoát khổ"... Khi những lời than vãn này ngày xuất hiện càng nhiều trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta càng rơi vào những vòng tròn luẩn quẩn (vicious circle). Nhưng câu hỏi đặt ra là nếu bạn cứ than vãn như vậy thì bạn có thoát khỏi bế tắc, khó khăn hay không? Câu trả lời là không. Điều quan trọng là bạn phải biết cách thoát khỏi bế tắc thay vì ngồi đó than vãn trong vô vọng. Nếu bạn chưa biết làm thế nào để thoát khỏi nó thì chìa khóa vàng cho bạn chính là cuốn sách Thói quen thứ 8 – The 8th Habit của Stephen R. Covey. Cuốn sách sẽ là tấm bản đồ chỉ đường nhằm giúp bạn giải thoát mọi vấn đề gặp phải.

“Mọi người cảm thấy hài lòng về bản thân hơn khi họ giỏi làm một việc gì đó.” Stephen R. Covey

Nếu chỉ được dùng một câu để tóm tắt cuốn sách này thì đó sẽ là câu này: “Thói quen thứ 8 là tìm ra tiếng nói của bản thân và giúp đỡ người khác tìm ra tiếng nói của họ, để từ đó chúng ta cùng phát triển trong thời đại thông tin, thời kỳ mà sự phụ thuộc lẫn nhau còn quan trọng hơn cả sự độc lập”.

Một trong những điểm chính của cuốn sách bán chạy trên toàn cầu “7 thói quen để thành đạt” của Stephen R. Covey là trong thời đại ngày nay, việc hợp lực cùng nhau trở nên giá trị hơn so với cạnh tranh lẫn nhau.

Trong thời kỳ công nghiệp, khi mà lao động tay chân là chủ yếu, sự khác biệt giữa năng suất làm việc của các cá nhân là không đáng kể vì chẳng ai có thể đốn được số củi nhiều gấp 100 lần người khác trong một ngày. Nhưng giờ đây khi chúng ta đang sống trong thời đại thông tin, thời kỳ mà kiến thức là kỹ năng chính, thì một lập trình viên xuất sắc có thể có giá trị cao gấp ngàn lần một lập trình viên bình thường.

Trong cuốn sách này, Stephen R. Covey chia sẻ cách thức để chúng ta có thể chuẩn bị cho bản thân và người khác đạt được thành công trong công việc, thông qua việc nuôi dưỡng thói quen thứ 8: Tìm ra tiếng nói của bản thân và cổ vũ người khác tìm ra tiếng nói của họ.

Thói quen thứ 8 chính là việc nói về nhận biết và khai thác sức mạnh ở khía cạnh thứ 3 của 7 thói quen để đáp ứng đòi hỏi của thời đại lao động tri thức. Thói quen thứ 8 chính là việc tìm ra “tiếng nói” của bản thân và cổ vũ người khác tìm ra “tiếng nói” của họ. Như vậy, chúng ta thấy rằng Stephen R. Covey đã nói về thói quen thứ 8 như cái nhìn mớii với 7 thói quen trước đó:

  • Thói quen thứ 1: Luôn chủ động (Be Proactive)
  • Thói quen thứ 2: Bắt đầu từ mục tiêu đã được xác định (Begin With the End in Mind)
  • Thói quen thứ 3: Ưu tiên cho điều quan trọng nhất (Put First Things First)
  • Thói quen thứ 4: Tư duy cùng thắng (Think Win-Win)
  • Thói quen thứ 5: Lắng nghe và thấu hiểu (Seek First to Understand, Then to Be Understood)
  • Thói quen thứ 6: Đồng tâm hiệp lực (Synergize)
  • Thói quen thứ 7: Rèn giũa bản thân (Sharpen the Saw)
     

Sau đây là 3 bài học rút ra từ cuốn sách "Thói quen thứ 8":

  1. Quyền tự do lựa chọn là món quà thiên phú lớn nhất mà ta có được.
  2. Xây dựng lòng tin bằng sự thân thiện, biết xin lỗi đúng lúc và giữ lời hứa.
  3. Trao quyền cho người khác bằng cách từ bỏ sự kiểm soát và giao phó trách nhiệm cho họ.

Bạn có muốn chuẩn bị cho bản thân để đạt được một sự nghiệp thành công trong thời đại 4.0 không? Nếu có thì hãy nuôi dưỡng thói quen thứ 8 từ bây giờ nhé.

Bài học 1: Quyền tự do lựa chọn là món quà thiên phú lớn nhất mà ta có được (There’s no bigger gift you’ve been born with than the ability to choose).

Để giúp người khác tìm ra tiếng nói của họ, hiển nhiên là trước tiên bạn phải tìm ra tiếng nói của mình. Stephen Covey nói rằng bạn tìm được tiếng nói của bản thân nhanh hay chậm là phụ thuộc vào khả năng vận dụng những món quà thiên phú của mình. Được sinh ra là con người, chúng ta có rất nhiều lợi thế bẩm sinh, và theo Stephen thì lợi thế lớn nhất chính là:

Bạn được toàn quyền lựa chọn cách phản ứng với mọi tình huống cuộc sống.

Không như thực vật -  loài không thể di chuyển, hay động vật - loài có cuộc sống gắn liền với chuỗi phản ứng tự động và bản năng, con người chúng ta có khả năng lựa chọn hành động tiếp theo của mình. Ta không thể kiểm soát những điều xảy đến với mình, nhưng chắc chắn ta có thể lựa chọn cách mình phản ứng với những điều đó. Vậy thì bước kế tiếp là tiến hay lùi đều phụ thuộc hoàn toàn vào bản thân bạn.

Nếu ai đó, ví dụ như cấp trên hoặc bạn bè, đối xử không tốt với bạn, nếu mọi người cố gây áp lực để bạn làm một việc gì đó thì bạn có quyền chấp nhận nghe theo họ, hành động để thay đổi hoặc bỏ đi.

Tuy nhiên, quyền tự do lựa chọn không phải là yếu tố duy nhất giúp bạn tìm được tiếng nói của mình. Covey còn đề cập đến 4 loại năng lực:

  1. Năng lực thể chất (Physical intelligence): khả năng cơ thể bạn hoạt động gần như là tự động mà không cần đến sự chỉ dẫn của ý thức.
  2. Năng lực trí tuệ (Mental intelligence): thứ mà chúng ta gọi là IQ.
  3. Năng lực cảm xúc (Emotional intelligence): lòng cảm thông và đôi khi được gọi là EQ.
  4. Năng lực tinh thần (Spiritual intelligence): la bàn đạo đức, là ngôi sao Bắc Đẩu (North Star) chỉ lối, là động lực thúc đẩy ý nghĩa cuộc đời.

Nhận ra những năng lực bẩm sinh này và vận dụng chúng là bước đầu tiên để tìm ra và tận dụng những sức mạnh đặc biệt của bản thân trong công việc, sau đó là truyền đạt những điều này đến với người khác.

Bài học 2: Hãy thân thiện, biết xin lỗi đúng lúc và giữ lời hứa để xây dựng lòng tin (Be nice, apologize when you have to and deliver on what you promise to build trust).

Bạn dễ dàng giao tiếp với người khác nhất khi mối quan hệ giữa các bạn được xây dựng dựa trên lòng tin. Càng tin tưởng lẫn nhau thì các bạn càng có thể thoải mái trò chuyện với nhau về nhiều điều hơn, càng ngẫm nghĩ về lời nói của nhau nhiều hơn và càng dễ chấp nhận những lời đó hơn.

Hãy nghĩ về điều này trong bối cảnh kinh doanh, và bạn có thể dễ dàng hiểu được tại sao sự tin tưởng là một trong những yếu tố quan trọng mà các CEO nên quan tâm. Niềm tin quyết định tốc độ thực thi công việc của bạn, và do đó, niềm tin cũng quyết định thành công của công ty nói chung.

Theo Covey thì có 3 cách xây dựng lòng tin:

  1. Giữ lời hứa (Stick to your word). Nếu bạn hứa hẹn điều gì đó, hãy hoàn thành nó đến nơi đến chốn. Hãy luôn giữ lời hứa. Bạn không chắc mình có làm được hay không? Vậy thì đừng hứa. Nếu đã nói thì phải làm.
  2. Hãy thân thiện (Be nice). Một lời khuyên thật đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả. Hãy cứ thân thiện với mọi người. Nói “cảm ơn”, “làm ơn” và “tôi có thể giúp gì cho bạn”. Tránh ngồi lê đôi mách và hãy giữ thái độ tích cực. Bạn chẳng mất gì khi làm những việc này nhưng nó lại mang lại cho bạn rất nhiều lợi ích.
  3. Nói xin lỗi khi cần thiết (Say sorry when you have to). Ai cũng có lúc phạm sai lầm. Việc tốt nhất bạn có thể làm khi điều đó xảy ra là lập tức thừa nhận sai lầm của mình và nói “xin lỗi”.

Tuy nhiên, niềm tin không phải là con đường một chiều. Bạn không phải chỉ xây dựng niềm tin bằng cách trở thành một người đáng tin cậy, mà còn bạn còn phải trao đi niềm tin của mình. Bạn có thể làm điều đó như thế nào?

Bài học 3: Từ bỏ quyền kiểm soát và trao quyền cho người khác (Give up control and hand others responsibility to empower them). 

Một trong những cách hiệu quả nhất để trao quyền cho người khác là giao phó quyền lực vào tay họ – theo đúng nghĩa đen! Nói vậy không có nghĩa là bạn để mấy em thực tập sinh điều hành công ty, nhưng hãy luôn mở rộng trách nhiệm và quyền kiểm soát của nhân viên trong công việc.

Ví dụ, nếu bạn đang quản lý một đội ngũ nhân viên vệ sinh, hãy để họ tự quyết định sản phẩm lau dọn mà họ sẽ sử dụng, loại găng tay họ sẽ mang, loại máy hút bụi họ sẽ dùng, kế hoạch dọn dẹp họ sẽ thực hiện, v.v…

Việc được tự do đưa ra những quyết định quan trọng trong công việc sẽ giúp nhân viên của bạn cảm thấy có động lực hơn, và tất nhiên họ sẽ tin tưởng vào các quyết định tương lai của bạn hơn.

Bạn cũng có thể áp dụng cách này vào tình bạn. Hãy hỏi xin sự giúp đỡ của bạn bè, tin tưởng rằng họ sẽ làm tròn phần việc của họ và nhìn xem mối quan hệ của các bạn sẽ phát triển như thế nào.

Dịch bởi: Ngọc Xuân (spiderum)
Nguồn: https://fourminutebooks.com/the-8th-habit-summary/

Category