Hội chứng FOMO là gì? Nguyên nhân và các giải pháp chữa lành FOMO

The fear of missing out, or FOMO, refers to the feeling or perception that others are having more fun, living better lives, or experiencing better things than you are.

Giải mã hội chứng FOMO

FOMO là viết tắt của từ Fear of missing out. Đây là cụm từ chỉ về nỗi sợ của một ai đó khi bỏ lỡ hoặc bị mất cơ hội trước trào lưu đám đông. Những người mắc hội chứng này thường có cảm giác lo lắng, sợ hãi việc mình sẽ bỏ lỡ một điều gì đó. Họ luôn cho rằng những người xung quanh sẽ đạt được thứ mà mình không có được. Điều này kéo theo việc họ luôn bị thôi thúc phải hành động, phải làm điều gì đó ngay lập tức. Chính vì những suy nghĩ như vậy, người bị mắc hội chứng FOMO thường hành động thiếu lý trí, dẫn đến những quyết định sai lầm và để lại những hậu quả đáng tiếc.

Người mang hội chứng FOMO luôn nghi ngờ mọi người biết được điều gì hay ho mà mình chưa từng nghe qua. Điều này thôi thúc họ có những hành động thiếu lí trí, quyết định sai lầm gây ít nhiều hậu quả.

FOMO gây ra những ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ, giảm sút sức khỏe tinh thần tổng thể. Từ đó, làm giảm hiệu suất và năng lực học tập, làm việc. Sự kém chú ý có thể dẫn đến tai nạn khi tham gia giao thông. Không chỉ thế, hội chứng này tạo ra tác động tồi tệ hơn ở những người có vấn đề sức khỏe tâm thần.

Hội chứng FOMO thường bao gồm 2 giai đoạn: lo sợ bỏ lỡ dẫn đến hành vi cưỡng chế. Cảm giác sợ hãi này ám ảnh tâm trí rằng người xung quanh luôn hơn mình. Họ sẽ đạt được thứ gì đó mà bản thân mình không đạt được.

Nhà sử học Dương Trung Quốc (Nguồn: VOV)

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc trong một buổi tọa đàm về đạo đức và văn hóa doanh nghiệp, thì thời nay không cón đặt ra vấn đề "ai hơn ai", mà phải đặt ra ra "ai cần hơn ai?". Với cách nghĩ này, chúng ta có thể thực hành chánh niệm (mindfulness) cho bản thân để xóa đi ám ảnh "thua kém bạn bè" hoặc "cảm thấy mình vô dụng trong xã hội".

FOMO có phải là một hiện tượng mới?

Ý tưởng rằng bạn có thể đang bỏ lỡ một khoảng thời gian vui vẻ không phải là mới đối với thời đại chúng ta. Tuy nhiên, mặc dù nó có lẽ đã tồn tại hàng thế kỷ, nhưng nó mới chỉ được nghiên cứu trong vài thập kỷ qua, bắt đầu từ một bài nghiên cứu năm 1996 của nhà chiến lược tiếp thị, Tiến sĩ Dan Herman, người đã đặt ra thuật ngữ "FOMO".

 

Tuy nhiên, kể từ khi mạng xã hội ra đời, FOMO đã trở nên rõ ràng hơn và được nghiên cứu thường xuyên hơn. Phương tiện truyền thông xã hội đã đẩy nhanh hiện tượng FOMO theo nhiều cách.

Mạng xã hội tạo ra một tình huống trong đó bạn so sánh cuộc sống thường ngày của mình với những điểm nổi bật trong cuộc sống của người khác.

Cảm giác “bình thường” của bạn trở nên lệch lạc và dường như bạn đang làm việc kém hơn so với các bạn cùng lứa tuổi. Bạn có thể thấy những bức ảnh chi tiết về bạn bè đang tận hưởng khoảng thời gian vui vẻ mà không có bạn, đó là điều mà mọi người có thể chưa dễ dàng nhận ra ở các thế hệ trước.

Phương tiện truyền thông xã hội tạo ra một nền tảng để khoe khoang (flex); đó là nơi đôi khi mọi thứ, sự kiện và thậm chí cả hạnh phúc dường như đang cạnh tranh nhau. Mọi người đang so sánh những trải nghiệm đẹp nhất, hoàn hảo như tranh vẽ của họ, điều này có thể khiến bạn tự hỏi mình đang thiếu điều gì.

Các phiên bản khác của FOMO

Lấy cảm hứng từ FOMO, một số khái niệm liên quan khác cũng đã xuất hiện. Một số trong số này có liên quan nhiều đến trải nghiệm của FOMO, trong khi một số khác có cách tiếp cận hơi khác:

  • FOBO (Fear of Better Options): Ám chỉ nỗi sợ rằng bạn đang bỏ lỡ những lựa chọn thay thế có khả năng tốt hơn.
  • MOMO (Mystery of Missing Out): Ám chỉ nỗi sợ rằng bạn đang bỏ lỡ điều gì đó nhưng lại không có bất kỳ manh mối nào về những gì bạn đang bỏ lỡ.
  • ROMO: (Reality of Missing Out): Đề cập đến một thực tế rằng bạn không bỏ lỡ bất cứ điều gì.
  • FOJI (Fear of Joining In): Nỗi sợ chia sẻ mọi thứ trên mạng xã hội nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào.
  • JOMO (Joy of Missing Out):  Ngược với hội chứng FOMO là JOMO (Joy Of Missing Out) - tìm thấy niềm vui từ chính việc bỏ lở.

Biểu hiện của hội chứng FOMO

Cảm thấy buồn và thiếu sót khi bỏ lỡ một sự kiện

Bạn thấy buồn khi thấy hội bạn đăng hình vui chơi, dù bạn có thể không hợp và không thích cuộc hội họp như thế. Bạn không thích sự kiện đó nhưng vẫn đi một cách gượng ép vì sợ bỏ lỡ điều gì hay cơ hội nào đó. Bạn quyết định “hành động” mà lờ đi rằng điều mình bỏ lỡ có thể không có ý nghĩa với bản thân.

Cảm giác ít bạn bè, không được mời "nhậu" thường xuyên

Bạn cảm thấy mình lẻ loi, tự ti khi thấy có ít bạn bè. Trong khi ai cũng đi nhậu ít nhất 2 lần/tuần thì bạn luôn cảm thấy cô đơn ngay cả khi đã có gia đình riêng, hàng tối quây quần cùng vợ con.

Liên tục kiểm tra điện thoại và các trang mạng xã hội

Chúng ta kiểm tra điện thoại từng phút dù không có thông báo nào, vì sợ không bắt kịp thông tin hay trào lưu mới. Điện thoại trở thành vật bất ly thân không phải vì những giá trị thực sự của nó. Đó là vì nỗi sợ bỏ lỡ của bản thân.

Mua sắm vô tội vạ

Sự sợ hãi không bắt kịp xu thế dẫn đến sự mua sắm vô tội vạ dù thực tế chúng ta không có nhu cầu về món đồ đó. Những người này lo lắng về cái nhìn, ý kiến của người khác hơn là bản thân mình.

Tự ti về bản thân

Người mang hội chứng FOMO thường nhận thức bản thân mình kém cỏi sinh ra sự lo lắng và tự ti. Họ sợ bị người xung quanh lãng quên. Trong một tập thể, những người FOMO thường cảm thấy bản thân thua kém, ám ảnh này kéo dài có thể dẫn đến tác hại tiêu cực, stress, trầm cảm.

Luôn nói “Có”, luôn đưa ra lựa chọn mở

FOMO khiến con người lo sợ lựa chọn. Họ tránh sự bỏ lỡ, thiệt thòi cho bản thân nên đưa ra lựa chọn mở, cái nào cũng được. Họ cũng thường đồng ý với mọi việc. Người mang FOMO vừa muốn là người quyết định, vừa muốn không phải chịu trách nhiệm, chừa đường lui cho bản thân.

Nguyên nhân của hội chứng FOMO

Theo các chuyên gia nghiên cứu, FOMO có thể đã xuất hiện từ rất lâu. Tuy nhiên, sự bùng nổ của thông tin ở hiện tại khiến FOMO trở nên rõ ràng và đáng chú ý. Một số nguyên nhân có thể dẫn đến hội chứng FOMO như:

Sự thiếu niềm tin

FOMO là một cảm giác lo lắng xuất phát từ sự thiếu niềm tin. Những người mang hội chứng FOMO thường là những người có lòng tự trọng thấp, cảm thấy mình thua kém người khác và không coi trọng bản thân.

Sự so sánh

Nỗi sợ bỏ lỡ được hình thành từ cảm giác so sánh. Sợ mình không có những gì người khác có, không trải qua những gì người khác trải qua.

Dưới sự phát triển của mạng xã hội, con người nhận thấy mình “thiếu” nhiều hơn. Họ đem nhận thức sai lệch về cuộc sống đã qua chỉnh sửa của người khác áp lên bản thân. Sự truy cập liên tục dẫn đến sự so sánh liên tục, tạo ra những kì vọng không hợp lý. Điều này gây ảnh hưởng xấu, tạo cảm xúc tiêu cực, rối loạn, nặng hơn là trầm cảm.

Sự thiếu hạnh phúc

Hội chứng FOMO xuất hiện nhiều ở những người dùng mạng xã hội thường xuyên. Họ thường cầm điện thoại ngay khi thức dậy, trước khi đi ngủ và giữa các bữa ăn.

Những điều ở hiện tại không đủ làm họ hạnh phúc và hài lòng. Vì vậy, những người này tìm đến mạng xã hội để thấy tốt hơn. Công nghệ này giúp bạn có thể tương tác tức thời với mọi người qua mạng xã hội. Nhưng nghiên cứu và thực tế cho thấy điều này làm những người trẻ rơi vào trạng thái cô đơn, lạc lõng hơn bao giờ hết.

Hội chứng FOMO có chữa "lành" được không?

Chuyển hướng sự tập trung (Change Your Focus)

Thay vì tập trung vào những điều mình thấy thiếu, hãy cố gắng tập trung vào những gì mình đang có. Sử dụng mạng xã hội một cách thông minh có thể giúp bạn vượt qua hiện tượng FOMO này. Bạn có thể lựa chọn hiển thị những nội dung tạo động lực và niềm tin cho mình, và hạn chế những nội dung có thể gây ra trạng thái tiêu cực cho bản thân.

Viết nhật ký (Keep a Journal)

Viết nhật ký và lưu giữ những hình ảnh có thể giúp bạn lưu giữ lại những điều thú vị bạn đã làm qua. Những nội dung này có thể được đăng tải trên trang cá nhân hoặc viết vào sổ cho riêng mình. Việc này giúp bạn nhận thấy và tập trung vào những giá trị sống của riêng mình.

Hãy thử cai nghiện không gian mạng (Try a Digital Detox)

Dành quá nhiều thời gian cho điện thoại hoặc ứng dụng mạng xã hội có thể làm tăng FOMO. Giảm mức sử dụng hoặc thậm chí thực hiện quá trình cai nghiện không gian mạng bằng cách tạm dừng sử dụng các thiết bị kỹ thuật số, có thể giúp bạn tập trung hơn vào cuộc sống của mình mà không phải liên tục so sánh với ai khác. 

Nếu không thể thực hiện quá trình cai nghiện hoàn toàn, hãy cân nhắc việc hạn chế sử dụng một số ứng dụng mạng xã hội nhất định khiến bạn cảm thấy như thể mình đang bỏ lỡ. Tạm thời xóa những ứng dụng đó, đặt giới hạn hàng ngày về mức độ bạn sẽ sử dụng chúng hoặc loại bỏ cảm giác của bạn để loại bỏ những người khiến bạn cảm thấy tồi tệ về bản thân hoặc cuộc sống của mình.

Tạo ra kết nối thật sự (Seek Out Real Connections)

Sự tiện lợi của mạng xã hội khiến chúng ta “lười” hơn trong các mối quan hệ của mình. Chúng ta chờ đợi sự tương tác, trầm trồ của những người bạn “ảo” nhiều hơn. Từ đó, những mối quan hệ thật sự bị thu hẹp dẫn đến cảm giác lạc lõng, cô đơn nhiều hơn.

Thay vào đó, hãy lên kế hoạch những cuộc hẹn với bạn bè và tham gia các hoạt động yêu thích của bản thân. Việc này giúp bạn tạo ra những kết nối tinh thần và tập trung vào những giá trị quan trọng. Ngay cả khi không có thời gian ra ngoài, bạn có thể thông qua mạng xã hội để trò chuyện và chia sẻ với một vài người bạn thật sự. Điều này vẫn tốt hơn là chờ đợi những phản hồi mang tính “xã giao”.

Luôn nhìn thấy cơ hội trong bất cứ khó khăn nào. Thời điểm khó khăn sẽ cho bạn thấy những người bạn thật sự của bạn và vạch trần những kẻ giả dối.

Tập trung vào lòng biết ơn (Focus on Gratitude)

Lòng biết ơn thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của bạn với những sự việc và những người xung quanh. Điều này giúp bạn nhận thức và làm “đầy” những giá trị mà bạn đang có. Từ đó, sự biết ơn nâng cao cảm giác hài lòng và hạnh phúc trong cuộc sống của bạn.

Thay vì chìm sâu trong tiêu cực với sự thiếu thốn mà FOMO mang lại, bạn đối diện với nghịch cảnh sẽ tốt hơn. Vì nó có thể giúp bạn nhận ra những giá trị của bản thân mình. Bạn nhận ra những gì bạn có, nhận ra cuộc sống thực sự mà bạn cần.

Kết luận

Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về hội chứng FOMO. Cuộc sống hiện đại mang đến cho chúng ta quá nhiều lựa chọn, có quá nhiều thứ xảy ra nên hầu như chúng ta lúc nào cũng bỏ lỡ. Luyện tập sự tập trung vào những điều thật sự giá trị và ý nghĩa giúp chúng ta vượt qua hội chứng FOMO để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đọc thêm: Hiệu ứng FOMO trong phát triển phần mềm