Doppelganger AI và hệ ý thức phức hợp của AI

Doppelganger AI và hệ ý thức phức hợp của AI

Robot và AI đang ngày càng phổ biến. Sức mạnh của chúng trước đây chỉ thấy trong các bộ phim viễn tưởng, nhưng điều đó gần như đang được hiện thực hoá trong tương lai. Vậy liệu AI có thực sự trải nghiệm và nhận thức thế giới như con người hay không; Có khi nào, robot và con người có quyền bình đẳng như nhau; Và nếu sao chép một nhân bản AI của chính bạn, thì ai mới là bạn?

Đây là những vấn đề cần chủ động nghĩ tới ngay từ bây giờ, để hiểu hơn về cách mà công nghệ đang định hình lại về bản sắc, tâm trí và ý thức.

Ý thức có phải là điều kiện cần đối với AI?

Đã có nhiều thảo luận về khái niệm “ý thức” trong AI, phẩm chất của việc nhận thức được tồn tại của con người và có thể trải nghiệm thế giới.

Trong bối cảnh đời sống nói chung, trí thông minh và ý thức cùng xuất hiện song song. Ở đó, những sinh vật có khối óc tinh vi hơn sẽ có những trải nghiệm phức tạp hơn. Con người đồng cảm với những sinh vật có ý thức, cảm nhận được nỗi khổ của chúng và quý trọng cuộc sống của chúng… Vậy AI thì sao, hệ thống này có nên cần có những ý thức riêng của nó và tiến hành trải nghiệm thế giới như những sinh vật sống?

Đâu đó, đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng, ý thức là kết quả của quá trình phát triển của sinh vật, và điều này nghiễm nhiên ngay cả những hệ thống AI tinh vi nhất, cũng sẽ không có những trải nghiệm như những sinh vật sống kia. Thậm chí cả khi những hệ thống AI này có thể tham gia vào các cuộc trò chuyện tự nhiên, thực hiện các ca phẫu thuật phức tạp hay lái xe với các kỹ năng vượt trội… cũng không đồng nghĩa với việc chúng có ý thức.

Nhưng ở chiều ngược lại, những người làm về công nghệ, và có tầm nhìn số lại tin rằng: Ý thức chỉ là một sản phẩm phụ của trí thông minh, và khi một hệ thống AI đủ phức tạp, nó sẽ tự sinh ra ý thức của riêng nó. Họ cho rằng, bộ não được cấu thành bởi nhiều thành phần logic, và những thành phần đó có thể đc tạo ra bởi sự tiến bộ của khoa học công nghệ, bởi phần cứng và phần mềm, tạo ra các hệ thống AI thay thế bộ óc để giải quyết các vấn đề phát sinh. Và khi đó, chúng có ý thức.

Hệ thống AI đủ phức tạp sẽ có ý thức?

Tất cả quan điểm trên, đều thuyết phục khi đứng trên góc nhìn của mỗi chủ nghĩa khác nhau, nó cho thấy được thế giới quan phức tạp của AI, và có lẽ sẽ đúng hơn khi xem xét dựa trên một ngữ cảnh cụ thể, trong mỗi trường hợp tiến hành nghiên cứu, sử dụng AI thực tiễn.

AI có thể cần hoặc không cần có ý thức?

Thực tế, ý thức còn phục vụ cho một chức năng khác là hoạt động tư duy và cách giải quyết vấn đề. Nhưng chỉ một phần trong quá trình xử lý vấn đề của con người là có ý thức (tư duy tỉnh táo). Ở đây tôi sử dụng khái niệm “tư duy tỉnh táo”, chỉ những hoạt động tư duy yêu cầu sự tập trung và tính toán có ý thức.

Thường thì quá trình xử lý vấn đề của con người là theo bản năng, do có những hoạt động tư duy đã đc hình thành và vun đắp từ rất lâu. Ví dụ như các hành động chạy bộ, ăn uống, vệ sinh cá nhân…, đó là những hành động không yêu cầu quá nhiều về mặt tư duy. Nhưng ở 1 phương diện khác, khi gặp phải các tình huống mới, hoặc ít quen thuộc hơn thì các hoạt động tư duy lúc đó mới đòi hỏi sự tập trung và tính toán có ý thức (tư duy tỉnh táo), ví như lúc học lái xe trên trường tập và ngoài thực tế.

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet

Vậy nếu AI đã biết được mọi thứ, thì chúng có tư duy tỉnh táo khi hoạt động hay không? Một AI siêu thông minh, là một hệ thống sở hữu cấp độ chuyên gia trong mọi lĩnh vực, nó có thể bao gồm các cơ sở dữ liệu rộng lớn. Khi đó câu hỏi được đặt ra là liệu có nhiệm vụ nào khiến nó cần tập trung, cân nhắc để giải quyết hay không; hay nó vẫn hành động và đưa ra kết quả như trong tiềm thức đã tồn tại từ rất lâu?

Ngày nay, có nhiều lý do để các nhà khoa học muốn tránh việc nhúng ý thức vào một hệ thống AI hoặc việc ý thức đc tự sinh ra trong quá trình phát triển của AI. Bởi lẽ khi đó, họ sẽ phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý và đạo đức nếu những cỗ máy đó được tạo ra.

Nhưng quan điểm khác lại cho rằng, một cỗ máy có ý thức độc lập sẽ mang lại những lợi ích to lớn. Vì họ tin, cách AI tương tác với con người phụ thuộc vào việc nó có niềm tin trở thành một con người đúng nghĩa hay không, và khi chúng có ý thức, có thể chúng sẽ an toàn hơn.

Tất cả chỉ là tính 2 mặt của vấn đề, và đi sâu có thể nó còn là 3 mặt hoặc 4 mặt mà không ai biết trước được. Quan trọng hơn là môi trường, và con người sử dụng nó như thế nào, mục đích ra sao mới là thứ ý thức mà chúng ta cần quan tâm nhiều hơn khi phát triển một hệ thống AI.

Kiểm tra ý thức của AI

Qua nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã và vẫn đang phát triển nhiều phương pháp khác nhau để có thể kiểm tra đc trí thông minh của AI, từ các bài kiểm tra đánh giá tới thang điểm hoàn thành nhiệm vụ, từ khó tới dễ… Nhưng việc xác định nó có ý thức hay không thì lại là điều thực sự khó khăn. Bởi ý thức không thể hiện dưới các dòng mã code, nó luôn tồn tại và phát triển song song và đôi khi vượt trước cả thời gian, do đó nó không thể được xác định qua một vài bài kiểm tra. Ví dụ để hiểu dễ dàng hơn, một con vật như tinh tinh hoặc chó sẽ không bao giờ vượt qua được bài kiểm tra ngôn ngữ, nhưng chúng hoàn toàn có ý thức. Những người mang tật nguyền, có thể không vượt qua được những bài kiểm tra đơn giản đối với những người bình thường, nhưng họ hoàn toàn có thể là thiên tài về một lĩnh vực nào đó (Hội họa, Vật lý, Toán học…), và thật vô lý nếu cho rằng họ không có ý thức.

AI vẫn là hạt nhân của cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra. Tất cả các công ty công nghệ lớn đều đã và đang đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu và đổi mới trong lĩnh vực này, nhưng những thách thức, mặt tối vẫn luôn tồn tại song song trong quá trình phát triển này. Việc hiểu về AI, hiểu về thế giới sẽ giúp con người có cái nhìn đúng đắn hơn và sử dụng nó hiệu quả hơn.

Vậy thực chất Doppelganger AI là gì?

Bộ não con người vượt xa khả năng của bất kỳ cỗ máy nào hiện nay, điều này đúng. Nhưng xét về khả năng vận dụng và sử dụng dữ liệu để hoàn thành một tác vụ nào đó, những bộ máy có tích hợp hệ thống AI hiện đại lại có khả năng hoàn thành nó rất nhanh và chuẩn xác. AI cũng đang có sự tiến bộ vượt bậc về mặt thời gian so với chính sự hiện hữu của con người.

Trong thời đại công nghệ số hiện nay, luôn có những câu chuyện rằng: Liệu facebook có đang nghe lén người dùng hay không? Dữ liệu có được bảo mật hay không?; Tại sao khi người dùng nói chuyện với nhau về một mẫu điện thoại mới trên một ứng dụng trò chuyên nào đó, thì vào khoảnh khắc tiếp theo dường như họ sẽ bắt gặp những hình ảnh quảng cáo về thế hệ điện thoại mới nhất đó?

Một điều hiển nhiên rằng, Google và Facebook cũng như nhiều công ty lớn khác luôn thu thập dữ liệu của người dùng. Những thứ người dùng tìm kiếm, người nói chuyện cùng họ, bài đăng họ thích hay bản nhạc họ đã từng nghe trên Internet, tất cả đều được sử dụng để cá nhân hoá trải nghiệm với sản phẩm của nhà quảng cáo. Thêm nữa, nó sẽ được sử dụng để huấn luyện các cỗ máy AI đứng sau sản phẩm đó có cách hành xử và quyết định giống như con người. Và nếu đem bộ máy đó gắn vào robot thì chắc chắn, nó sẽ trở thành một thực thể nhân bản đáng nghi ngại của chính người dùng, mà họ cũng không thể tưởng tượng ra.

Khi AI ngày càng trở nên phức tạp, trong tương lai chúng sẽ không cần các đầu vào đến từ con người để thực hiện một nhiệm vụ. Chúng sẽ được lập trình để có thể tự động học hỏi từ môi trường, và chính chúng sẽ quyết định hành động để thực hiện một nhiệm vụ cụ thể, từ đó ý thức sẽ phát sinh. Tất nhiên, vô cùng có khả năng những hành động của thực thể đó sẽ gây nguy hiểm, vi phạm trầm trọng trọng các quy chuẩn đạo đức. Vì vậy hậu quả sẽ không thể lường trước nếu chúng được mặc định xây dựng cho các tổ chức có ý đồ xấu.

Linh Phạm (brandsvietnam)