Ước mơ tái hiện “thành công Hà Lan” ở Việt Nam của startup blockchain

Chính phủ Hà Lan đã sớm đồng hành với những dự án ứng dụng công nghệ blockchain của các startup như Zestif, không chỉ tạo đơn đặt hàng mà còn có những khoản tài chính, tài trợ nhất định cho các công ty khởi nghiệp để khuyến khích họ nghiên cứu công nghệ mới này, đồng thời tuyên truyền phổ biến để cho tất cả doanh nghiệp tại Hà Lan bắt đầu tìm hiểu và tin tưởng vào blockchain.

Sau khi gây dựng thành công hình ảnh của startup chuyên làm giải pháp blockchain cho các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp Hà Lan, Zestif đang tìm hướng phát triển ở Việt Nam và nỗ lực đưa người trẻ Việt ra thế giới.

Quay về Việt Nam vì mang dòng máu Việt

Từ thành công ban đầu với Dự án Ứng dụng công nghệ blockchain vào việc quản lý thông tin hồ sơ bệnh án trong bệnh viện, tới nay, Zestif đã được nhiều người biết tới như một công ty chuyên làm giải pháp blockchain cho các cơ quan chính phủ cũng như các doanh nghiệp Hà Lan.

“Nếu tính tổng số dự án blockchain chúng tôi đã làm chắc cũng gần cả trăm rồi. Từ 3 thành viên ban đầu, có những giai đoạn đỉnh điểm, Zestif có tới 120 nhân sự và cộng tác viên. Nhưng đội ngũ ở Hà Lan luôn giữ ở mức dưới 20 người. Còn lại là lập trình viên ở Nga, Ukraine và mấy năm gần đây là ở Việt Nam. Bản thân tôi muốn dần dần sử dụng nhiều bạn người Việt hơn”, Crys Nguyễn, nhà sáng lập Zestif tâm sự.

Đối với lãnh đạo Zestif, thị trường Việt Nam rất nhiều tiềm năng, nhưng cũng không ít khó khăn. Văn hóa làm việc là một vấn đề lớn, đã khiến anh hơi sốc khi mới tiếp cận.

“Cá nhân tôi rất thán phục, ngưỡng mộ sự chăm chỉ, không quản ngại giờ giấc, hoàn cảnh của người Việt. Tuy nhiên, khi thương lượng công việc, người Việt sử dụng cảm xúc nhiều hơn lý trí. Phải thấy cảm mến mới chấp nhận làm việc, phải đi nhậu rồi mới quý và sau đấy mới bớt khách sáo, giao tiếp cởi mở hơn. Ở Hà Lan hoàn toàn khác, không đi nhậu bao giờ, làm việc với nhau thì nói thẳng vào vấn đề, không quan tâm tuổi tác, giới tính, chủng tộc, sở thích cá nhân hay gia đình. Xác định môi trường văn hóa Việt Nam hoàn toàn khác với Hà Lan, tôi đang học hỏi để thích nghi dần”, Crys Nguyễn dẫn chứng.

Chia sẻ với VietNamNet về dự định tương lai ở Việt Nam, nhà sáng lập Zestif cho biết, giống như con đường đã đi ở Hà Lan, Zestif sẽ chọn đồng hành cùng các tổ chức, hoạt động được chính phủ Việt Nam hỗ trợ, ví dụ như Viện Đổi mới sáng tạo mở và doanh nhân công nghệ (OITI) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, để xây dựng một hệ sinh thái và môi trường thích hợp cho việc ứng dụng những công nghệ mới cũng như chuyển đổi số nói chung.

“Số đông doanh nghiệp, tổ chức, thậm chí cơ quan chính phủ tại Việt Nam vẫn cần phải chuyển đổi số trước, sau khi họ hiểu về công nghệ và chuyển đổi số nói chung rồi thì mới cho họ trải nghiệm những công nghệ mới. Tôi hy vọng sẽ có thể tái tạo thành công ở Hà Lan tại Việt Nam. Sứ mệnh của Zestif là mang giá trị, giải pháp công nghệ nói chung, blockchain nói riêng đã được triển khai thành công tại Hà Lan về áp dụng cho thị trường Việt Nam. Tất nhiên cũng rất nhiều doanh nghiệp quốc tế khác đã làm những việc này nhưng họ không được thành công cho lắm. Bởi vì họ không mang trong mình dòng máu Việt để có thể hiểu được những nét đặc thù riêng của Việt Nam”, Crys Nguyễn nhấn mạnh.

Đưa người Việt trẻ ra thế giới

Ngoài mong muốn tái hiện thành công đã có ở Hà Lan tại Việt Nam, sếp 9x của Zestif còn ấp ủ dự định đưa thêm nhiều người Việt trẻ ra nước ngoài để tạo thêm nhiều dấu ấn trí tuệ Việt trên thế giới.

Crys Nguyễn cho biết, Zestif đã quyết định đồng hành cùng OITI với khá nhiều hoạt động, trong đó có các chương trình trao đổi, phối hợp đưa các bạn trẻ tài năng Việt Nam ra nước ngoài để trải nghiệm môi trường làm việc quốc tế. Mục đích nhằm tạo ra một thế hệ trẻ có kỹ năng, tư duy quốc tế, kinh nghiệm làm việc thực tế tại các doanh nghiệp toàn cầu, tiếp cận những nguồn vốn, nguồn lực nước ngoài để áp dụng những công nghệ 4.0 như AI (trí tuệ nhân tạo), blockchain (chuỗi khối), big data (dữ liệu lớn)… đã được đề cập rất nhiều trong những năm qua.

“Việt Nam đã tiến hành một số chương trình hợp tác như thế với Chính phủ Hàn Quốc rồi, còn với chính phủ ở châu Âu thì chưa. Tôi muốn có thêm những chương trình như vậy, bởi vì không chỉ có lợi cho các bạn trẻ Việt Nam mà cho cả Zestif trên hành trình xây dựng một đội ngũ nhân lực trẻ ở Việt Nam. Cá nhân tôi khá tự hào khi giúp được cho đất nước trong việc đầu tư cho tương lai. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi làm những việc có giá trị tinh thần lớn lao chứ không chỉ đơn giản là kinh doanh kiếm tiền”, Crys Nguyễn nói.

Một lợi ích nữa khi sẵn sàng đi đường dài với OITI, đó là Zestif sẽ không chỉ có cơ hội vừa học hỏi, vừa xây dựng thị trường, mà còn giúp định hình cho mình một thương hiệu đáng tin cậy, “người thật việc thật”, “nói được làm được”, cũng như hình thành được sản phẩm phù hợp nhất cho thị trường Việt. 

Xác định 2023 là năm học hỏi thị trường Việt Nam, lãnh đạo Zestif đặt mục tiêu khiêm tốn: Trong năm nay chỉ đồng hành cùng OITI xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nền tảng đổi mới sáng tạo. Nếu “có duyên” sẽ hợp tác với doanh nghiệp hoặc tổ chức chính phủ để mang giải pháp blockchain hoặc công nghệ nói chung ở Hà Lan về Việt Nam ứng dụng thành công. 

Hãy khởi nghiệp tinh gọn

Nhìn lại chặng đường đã qua, khi được hỏi “đâu là lúc cảm thấy hạnh phúc, thăng hoa nhất”, Crys Nguyễn giãi bày: “Đây là câu hỏi khó với tôi bởi tôi thường không hay quá vui mừng trước những thành quả đã đạt được trong cuộc sống. Với tôi, chặng đường luôn tiếp tục, cứ đi từ khó khăn này sang khó khăn khác, không có lúc dừng lại”.

Zestif vận hành theo mô hình khởi nghiệp tinh gọn, đội ngũ chính ở Hà Lan là những người chuyên tư vấn thiết kế, giải pháp chỉ dưới 20 người, còn đội ngũ triển khai giải pháp công nghệ là những người được tuyển từ Nga, Ukraine, Việt Nam… với số lượng thay đổi theo dự án.

Khó khăn đối với startup chuyên làm mảng blockchain là bên cạnh việc giỏi công nghệ thì phải có khả năng giải thích, thuyết phục khách hàng về lợi ích của công nghệ mới.

Startup làm dịch vụ tư vấn như Zestif không yêu cầu phải có nhiều vốn như làm sản phẩm công nghệ; cũng không phải vất vả đi tìm thị trường như startup làm sản phẩm, vì mô hình của Zestif là tìm hiểu thị trường có sẵn, nghiên cứu thử nghiệm công nghệ mới, xem phản ứng thị trường, thấy có nhu cầu thật rồi mới thiết kế các sản phẩm, dịch vụ của mình cho phù hợp. Bán hàng theo kiểu đưa giá trị trước, sau đó đẩy khách hàng vào thì sẽ hiệu quả hơn.

Từng hợp tác không thành công với rất nhiều startup và cá nhân, sếp Zestif chia sẻ kinh nghiệm: “Không thành công không phải chỉ vì yếu tố công nghệ hay kỹ năng mà còn tùy vào người mình làm cùng. Không phải ai cũng có “lửa” giống mình. Giống như một cuộc hôn nhân, lúc đầu rất hợp, nhưng sau này thì tùy, nếu “có duyên không phận” thì đành phải chia tay”.

Lãnh đạo Zestif lưu ý, startup cần phải nghĩ xa. Chẳng hạn, khi viết phần mềm, nhiều người chỉ tính chuyện viết thật nhanh cho phần mềm sớm được vận hành, nhưng lại không tính tới chuyện trong mấy năm nữa có dùng được không. Đây hiện vẫn đang là một điểm hạn chế của nhiều startup.

Lời khuyên của 9x khởi nghiệp thành công với blockchain ở Hà Lan đối với những người Việt trẻ cũng muốn “cháy hết mình” với tinh thần khởi nghiệp, đó là “đừng làm mọi thứ theo cảm tính, phải luôn lắng nghe, thay đổi theo thị trường, thậm chí có những thứ tưởng như mặc định rồi, nhưng qua năm tháng, nhu cầu thị trường vẫn có thể thay đổi”.

Lấy ví dụ ngay công nghệ blockchain, biết đâu năm sau lại có thêm những nhu cầu khác, lãnh đạo Zestif khuyến nghị: “Với bất cứ công nghệ mới nào, khi làm cũng cần có tầm nhìn cụ thể về thế giới trong tương lai để theo đuổi nó”.

Bài: Bình Minh