Ứng dụng blockchain trong doanh nghiệp: Walmart đã giảm thời gian truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ 7 ngày xuống chỉ còn 2,2 giây như thế nào?

Theo báo cáo mới nhất của McKinsey vào ngày 6/11/2021. Trong thập kỷ tới, chúng ta sẽ trải qua nhiều tiến bộ hơn so với 100 năm qua cộng lại, khi công nghệ định hình lại vấn đề sức khỏe, khoa học vật liệu, năng lượng, giao thông vận tải và một loạt các ngành và lĩnh vực khác như tự động hóa, công nghiệp, di động, công nghệ thông tin và truyền thông.

Gần như công nghệ tác động đến mọi mặt của cuộc sống con người mà chúng ta không thể cưỡng lại được.

Chia sẻ trong Talkshow online với chủ đề "Ứng dụng blockchain trong doanh nghiệp thời bình thường mới", chị Lynn Hoàng - SEA Director của Binance, cho rằng: "Internet của tương lai là Internet of Value (Internet tạo ra giá trị) chứ không phải là Internet of Information (Internet của thông tin).

Trong đó blockchain sẽ là một công nghệ nền tảng để tạo giá trị trên thế giới số, blockchain (công nghệ chuỗi khối) sẽ tác động mạnh mẽ đến kinh doanh và xã hội bằng cách cung cấp một cách an toàn và trực tiếp, giúp cho việc trao đổi tiền, tài sản trí tuệ và các tài sản hữu hình khác mà có thể không cần sự tham gia của một bên thứ ba, làm cho môi trường số minh bạch hơn, giảm chi phí trung gian".


Chị Lynn Hoàng - SEA Director của Binance

Tiếp lời, anh Charlie Nguyễn – Chủ tịch FAM Central, cũng chia sẻ: "Blockchain có thể ứng dụng được vào rất nhiều ngành nghề khác nhau, tuy nhiên đối với lĩnh vực nghệ thuật mà anh đang làm thì nhà sản xuất hay nhà làm phim có thể ứng dụng blockchain để kết nối với cộng đồng người hâm mộ của mình. Sự kết nối này sẽ tạo ra rất nhiều sự tương tác và nó sẽ cộng đồng hóa việc sản xuất một bộ phim hay một tác phẩm nghệ thuật.

Nếu như trước đây, khi làm phim theo mô hình truyền thống thì chỉ có vài người suy nghĩ ra một câu chuyện nào đó, tiếp đến sẽ chỉ có một hay hai người viết ra câu chuyện đó, sau đó mới được chuyển giao qua khâu sản xuất….

Có thể thấy, tất thảy quá trình này, người làm phim được ví như làm việc trong bóng tối, họ sẽ đoán xem khán giả của mình cần gì, thị hiếu và nhu cầu của khán giả như thế nào chứ không thể nào biết được một cách chính xác. Chỉ khi bộ phim được công chiếu thì đạo diễn, nhà sản xuất mới có thể biết được tác phẩm của mình có đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của khán giả hay không".

Nhận thấy được vấn đề này, Fam Central mong muốn dùng một cách nào đó để có thể kết nối được với khán giả trước khi bộ phim được sản xuất. Và blockchain đã giải quyết được vấn đề đó, không chỉ giúp nhà sản xuất nhận được sự tương tác và đồng hành của người hâm mộ, blockchain còn giúp những người hâm mộ có thể trở thành các nhà đầu tư cho bộ phim mà mình yêu thích.


Anh Charlie Nguyễn – Chủ tịch FAM Central

Ngoài ra, blockchain là một công nghệ mới và tính ứng dụng rộng. Một ví dụ ứng dụng công nghệ blockchain trong ngành công nghiệp sản xuất – Walmart với công nghệ blockchain IBM Trust Food.

Cụ thể: Người tiêu dùng có thể bị nhiễm bệnh do ăn phải rau bị ô nhiễm hoặc các sản phẩm không đảm bảo. Khi điều này xảy ra, các chuỗi cửa hàng tạp hóa và các nhà bán lẻ thường sẽ phải dọn sạch các kệ sản phẩm nhằm ngăn những người tiêu dùng tiếp theo mua sản phẩm đó.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Walmart đã dẫn đầu trong việc tiếp cận và xử lý vấn đề này. Vào năm 2018, sau một chương trình thử nghiệm kéo dài hai năm, Walmart đã thông báo triển khai công nghệ blockchain, nhằm theo dõi sản phẩm, cụ thể là sản phẩm rau chân vịt và rau diếp cải. Sau thông báo, Walmart đã yêu cầu hơn 100 trang trại đối tác nhập thông tin chi tiết về thực phẩm của họ vào cơ sở dữ liệu blockchain.

Trước khi được nhập thông tin đến điểm cuối cùng là Walmart, tại mỗi điểm dừng ở chuỗi cung ứng, những người xử lý sản phẩm cho Walmart sẽ thực hiện một mục nhập trên blockchain, ký tên xác nhận và chuyển nó cho người xử lý tiếp theo trong chuỗi sản xuất.

Thông qua công nghệ Blockchain, ‘ông lớn’ trong mảng bán lẻ này có thể theo dõi thực phẩm từ cánh đồng trồng rau, qua các cơ sở rửa và cắt, đến kho và cuối cùng đến cửa hàng. Công nghệ thậm chí còn cho phép nhà sản xuất xác định khu vực nào của cánh đồng có thể thu hoạch được rau. Đánh giá tính hiệu quả, nhóm nghiên cứu tại Walmart tuyên bố rằng bằng cách sử dụng hệ thống mới này, thời gian cần thiết để truy xuất xứ nguồn gốc của công ty đã giảm từ 7 ngày xuống chỉ còn 2,2 giây.

Việc sử dụng Blockchain đáp ứng hai mục tiêu lớn được đề đặt ra bởi Walmart: Thứ nhất là tập trung vào thực phẩm tươi sống, và thứ hai là tiết kiệm chi phí. Trong tương lai, khi người tiêu dùng vô tình mắc bệnh do thực phẩm gây ra, nhà bán lẻ có thể nhanh chóng xác định và loại bỏ thực phẩm thực sự có nguy cơ, thay vì loại bỏ toàn bộ sản phẩm trên kệ.

Thấy được những lợi ích tiềm năng đem lại, Walmart không phải là nhà bán lẻ duy nhất đang triển khai công nghệ blockchain nhằm theo dõi và truy tìm sản phẩm của họ cũng như các sản phẩm liên quan đến thực phẩm khác. Hệ thống mà Walmart sử dụng – IBM Food Trust – đã được phát triển cho các công ty tiêu dùng, bao gồm Dole, Wegmans và Unilever để theo dõi các sản phẩm di chuyển qua chuỗi cung ứng.

Theo Ánh Tuyết
Doanh nghiệp và Tiếp thị

Tags