Phân tích sai hỏng (FMEA) là gì và tác động lên chất lượng sản phẩm?

1. Vậy FMEA là gì?

FMEA là một phương pháp phân tích được sử dụng để đảm bảo rằng các vấn đề tiềm ẩn đã được xem xét và giải quyết trong suốt quá trình phát triển sản phẩm và quá trình. Từ đó đề xuất những biện pháp nhằm ngăn ngừa các vấn đề này để nó không xảy ra.

FMEA là cụm từ viết tắt của Failure Mode and Effects Analysis, chúng ta cùng phân tích từng từ để hiểu thật sâu ý nghĩa của nó.

  • Failure: Sai hỏng
    Là những thứ chúng ta không mong muốn, là hậu quả của quá trình. Nhưng sai hỏng được nhấn mạnh trong FMEA là sai hỏng dưới dạng tiềm ẩn. Chứ không phải là sai hỏng đã xảy ra. Có nghĩa là những sai hỏng có thể sẽ xảy ra trong tương lai.
  • Mode: Cách thức
    Cho nên failure mode là cách thức gây ra sai hỏng, hoặc là kiểu sai hỏng. Chúng ta cũng rất dễ nhầm lẫn giữa từ failure mode và defect, trong khi hai từ này hoàn toàn khác biệt nhau. Failure mode tập trung nói về cơ chế, về nguyên nhân. Còn defect thì nó tập trung nói về vật thôi, nói về số lượng phế phẩm…
  • Effects: Ảnh hưởng, tác động
    Có nghĩa là ảnh hưởng hoặc là tác động của sai hỏng này lên sản phẩm đầu ra là gì. Ví dụ: Một vết trầy xước, vết cắt trên bán thành phẩm chỉ là lỗi ngoại quan; Nhưng nếu nó là trên bao bì có thể gây thủng dẫn đến hư thành phẩm.
  • Analysis: Phân tích
    Có nghĩa là chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân, phân tích rủi ro và hậu quả, từ đó phân loại ưu tiên để đưa ra những hướng cải tiến.

Nói một cách ngắn gọn, FMEA (Failure Mode and Effects Analysis) là: “Phân tích các kiểu sai hỏng và ảnh hưởng của nó”.

Nói một cách cũng ngắn gọn nhưng dài dòng hơn một chút thì FMEA là: “Phân tích các kiểu sai sót, sai hỏng, hay các cách thức tạo ra phế phẩm và ảnh hưởng của nó lên thành phẩm hoặc là đầu ra của quá trình, rồi từ đó đánh giá, sắp xếp thứ tự ưu tiên để mà tiến hành khắc phục, cải tiến”.

2. Phân tích kiểu lỗi trong FMEA và các phương pháp giải quyết vấn đề khác.

Đến đây có nhiều bạn sẽ thắc mắc, vậy việc phân tích các kiểu lỗi (Failure mode) trong FMEA có khác gì so với việc phân tích lỗi trong các phương pháp giải quyết vấn đề như A4, 8D, 5Why, KT, FTA, Fishbone… Vấn đề khác nhau nằm ở một chữ “thời gian”.

  • Đối với FMEA :
    Chúng ta tập trung vào các kiểu lỗi tiềm ẩn (Potential) có nghĩa là nó chưa xảy ra, nên lợi thế lớn nhất của FMEA là tính kịp thời. Có nghĩa là làm trước khi nó xảy ra, làm chuồng trước khi mất bò. Hay nói cách khác các vấn đề này chưa xảy ra, nên chúng ta có rất nhiều thời gian để làm FMEA cho cả quy trình, cho cả sản phẩm gồm rất là nhiều bước nhiêu khê khác.
  • Đối với các phương pháp giải quyết vấn đề khác:
    Thì thời gian là một thứ gì đó rất xa xỉ, khi vấn đề xảy ra, áp lực dừng chuyền, áp lực xuất hàng, áp lực hủy hàng nên tăng chi phí. Khách hàng hối, chuỗi cung ứng hối, sếp hối… Do đó, lúc này mà ngồi phân tích theo kiểu FMEA thì thua chắc, không hiệu quả. Lúc này các phương pháp phân tích khác như A4, 8D, KT, FTA hiệu quả hơn rất nhiều, vì nó có nhiều bước chặt chẽ để tiến hành phong tỏa vấn đề, sơ cấp cứu, chữa cháy rồi mới đi vào phân tích tìm nguyên nhân…


Bạn cũng đừng hiểu nhầm rằng khi giải quyết vấn đề chúng ta không dùng FMEA, hoàn toàn không phải. FMEA cung cấp một lượng thông tin rất lớn cho việc giải quyết vấn đề cũng như là đánh giá rủi ro thành phẩm. Ngoài ra, khi tìm ra kiểu sai sót chúng ta cũng nên cập nhật nó vào FMEA. Chỉ là không dùng FMEA như một phương pháp để tìm và giải quyết những vấn đề đã xảy ra rồi thôi.

Category