Hành giả thích Minh Tuệ (sau đây sẽ gọi là "sư Minh Tuệ") thông qua quá trình tu tập khổ hạnh trong nhiều năm đã cho chúng ta thấy được ý chí sắc đá của ngài mạnh mẽ đến nhường nào, ý chí đến từ sự chịu đựng được gian khổ bởi thời tiết khắc nghiệt dưới cái nắng 40 độ với bàn chân trần dải bước khắp từ Nam ra Bắc khi chỉ ăn mỗi ngày chỉ 1 bữa chay, ban đêm phải ngủ ngoài miếu, nhà hoang, nghĩa địa, gốc cây.
Tuy nhiên điều còn đáng ngưỡng mộ hơn đó là hạnh tu bên trong của ngày khiến người khác phải tán thán vì sự khiêm cung và tâm hết sức thanh tịnh dù bị người khác mắng chửi hay đánh đập hay phải đối mặt với sự tôn sùng quá mức của nhiều người những vẫn giữ được sự bao dung, khiêm tốn và bình tĩnh
Vậy chúng ta học được gì qua Thầy Minh Tuệ?
- Con đi tu là để cầu giải thoát.
- Hàng ngày con chỉ xin ăn một bữa, con không nhận tiền của ai.
- Y áo con mặc là may từ vải con nhặt từ nơi nghĩa địa, ven đường, thùng rác.
- Bình bát là con chế từ nồi cơm điện người ta cho con.
- Đời là vô thường, sống nay chết mai đâu ai biết nên con phải sớm đi tu, lỡ mai chết mất thân này thì con đâu còn cơ hội để tu.
- Con mong sớm thành chánh quả để con báo hiếu cho cha mẹ.
- Giờ đây con coi mọi người đều là anh em, cha mẹ con.
- Trong lòng con không còn ích kỷ, thù hận. Con coi tất cả mọi người trong thế gian đều bình đẳng.
- Giờ nếu anh có chửi con, con vẫn coi anh là bạn.
- Người ta có đánh con, con vẫn chúc mọi điều tốt đẹp đến với họ.
- Mọi người hãy cố gắng giữ 5 giới: không sát sanh; không trộm cắp; không tà dâm; không nói dối; không uống bia rượu.
- Con nguyện ước chúc cho mọi người được hạnh phúc.
- Mọi người đừng lạy con mà hãy lạy Phật - Pháp - Tăng nhỉ.
44 CÂU TRẢ LỜI VỀ VIỆC HỌC TU CỦA MÌNH
- Giữa tháng 7/2015, con đi làm vô tình nghe được Phật pháp. Con phát nguyện ăn chay ngày một bữa, tìm đọc kinh sách Phật và giữ giới trong 6 tháng.
- Con thấy mục đích Phật dạy rất cao cả, nên con muốn đi tu và quyết định xuất gia.
- Cha mẹ con lúc đầu không cho. Sau đó, thì cũng chấp thuận. Con được cha mẹ chia phần tài sản như các anh em trong nhà, nhưng con từ chối, con chỉ xin cha mẹ ký giấy cho con xuất gia thôi.
- Lúc đầu tu học thì con không hiểu được gì nhiều. Con như người học lớp 1, rồi học lớp 2, từ từ học lên nữa, người ta cũng chỉ cho con, con mới hiểu nhiều hơn.
- Con học tu ở chùa một thời gian, có pháp danh là Thích Minh Tuệ. Sau đó, con thấy không hợp, nên con rời bỏ chùa, lên núi ẩn cư một mình trong hốc đá, hàng ngày đi khất thực. Dù Phật không có nói, nhưng con chọn ngủ ngồi 3 năm rồi, không có nằm. Con ngủ ngồi là con muốn bỏ cái ngủ đi. Khi nào mệt quá thì ngồi dựa vào gốc cây hay bờ tường cũng được.
- Sau thời gian ở một chỗ con thấy mình không có cơ hội xúc chạm để thử thách tham-sân-si, nên con quyết định bộ hành từ Nam ra Bắc, rồi ngược lại. Con không dám nói trước cho đến lúc nào thì con dừng.
- Con muốn giữ lại pháp danh cũ, nên con nói tên con là Thích Minh Tuệ, thay vì nói tục danh con (là Lê Anh Tú). Bình thường như con khi chưa phát tâm tu hành chánh đẳng, chánh giác thì không sao, nhưng khi phát tâm tu hành rồi thì đầy đủ các thứ đánh đập, chửi bới bệnh đau nó đến để thử thách lòng mình có vượt qua được không, có chiến thắng với 4 nổi khổ: sinh, già, bệnh, chết không. Ví dụ bệnh đau là cái đầu tiên vẫn đến để xem mình có sợ nó không.
- Trước khi đi tu, con cũng có việc làm như bao người, nhưng con không hạnh phúc, bởi con tư duy thấy rằng cho dù ai có việc làm, có công chức, cuộc sống ổn định nhưng rồi cũng bệnh, cũng già và chết như nhau. Con sẽ giống họ.
- Con muốn học những điều Phật dạy cao siêu, vi diệu, tối ưu, thiền định, trí tuệ, thoát được khổ đau, và an lạc hạnh phúc.
- Phật bày như thế nào, con làm theo thế ấy, để có an lạc hạnh phúc, chứ không phải tự mình mà biết. Con chưa vào định được. Con còn đang học.
- Con đi tu là để cầu giải thoát. Khi đắc đạo chánh đẳng, chánh giác, con mới đền đáp được công ơn cha mẹ.
- Ngày nào con cũng xin ăn không quá một bữa cơm mỗi ngày để nuôi thân tu hành. Con không tích chứa để dành, hoặc xin thêm.
- Con tuyệt đối không nhận tiền, vàng và vật phẩm của ai, dưới bất cứ hình thức nào.
- Y áo con mặc được may từ vải con nhặt ở nghĩa địa, hay thùng rác ven đường.
- Con không sử dụng y áo có màu giống với các tu sĩ, và nói mình ở chùa nào, vì con không muốn mượn hình ảnh để xúc phạm đến sư thầy và các nhà chùa. Người ta có thể nói con lợi dụng để lừa đảo, hay làm điều sai trái, làm ảnh hưởng đến họ.
- “Bình bát” để nhận thức ăn là do con sửa chế từ nồi cơm điện người ta cho con. Đó không phải là “y bát” của quý sư thầy.
- Đời là vô thường, sống nay chết mai đâu ai biết, nên con phải sớm đi tu, lỡ mai chết mất thân này thì con đâu còn cơ hội.
- Có người hỏi con ngủ ở nghĩa địa có thấy gì không? (ma). Con nói không thấy cũng không đúng. Có khi con thấy bóng đen nào đó đi qua, nhưng không ảnh hưởng gì đến con thì con nói thấy hay không thấy cũng vậy.
- Giờ đây con coi mọi người đều là anh em, cha mẹ con.
- Trong lòng con không còn ích kỷ, thù hận. Con coi tất cả mọi người trong thế gian đều bình đẳng.
- Giờ nếu anh có chửi con, con vẫn coi anh là bạn.
- Người ta có đánh con, con vẫn chúc mọi điều tốt đẹp đến với họ.
- Con nguyện ước chúc cho mọi người được hạnh phúc.
- Mọi người không nên học bói toán , vì có cái đúng, cái không đúng. Đức Phật không có dạy xem bói. Hơn nữa, nếu họ tài giỏi thì họ đã bói cho họ rồi.
- Thay vì học bói toán, mọi người nên học đạo đức, giới luật. Cố gắng giữ 5 giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống bia rượu sẽ được hạnh phúc.
- Việc giữ giới là quan trọng đầu tiên trong Giới-Định-Tuệ. Không giữ giới thì không tu được thành Phật.
- Ăn chay mà giữ giới thì cũng thành đạt trong việc tu Phật được.
- Người ta cho con chay, mặn có đủ. Khi ăn, con chọn thức ăn chay.
- Mọi người đừng lạy con mà hãy lạy Phật - Pháp - Tăng.
- Con không kêu gọi hay lập ê kíp đi theo quay phim con. Nhưng con cũng không xua đuổi họ.
- Nếu họ vì quay phim con mà được lợi ích, thì con cũng chúc họ hạnh phúc.
- Đối với con, ở đâu cũng là chùa. Nên con không quan trọng lý do vì sao chùa này mở cửa, chùa kia đóng cửa.
- Con đi bộ, không đi xe, là để rèn luyện sức khoẻ.
- Con đi chân trần là để cảm nhận được những gì ở phía dưới chân, mình có dẫm đạp lên các côn trùng, sinh vật không? Hơn nữa giày, dép mau hư hơn chân con.
- Ai không có thứ gì đáng giá trên người, mới là hạnh phúc, vì họ không phải lo giữ gì cả.
- Con không có gì hết nên con không sợ bị ai đánh đập hay giết mình để lấy của. Con không sợ chết, bởi con đâu có thứ gì tiếc uống, cần phải sống để giữ nó.
- Có người hỏi con ngủ trong chòi lá, rừng cây lạnh lẽo, rét buốt làm sao ngủ ngon bằng ở phòng kín, chăn ấm, nệm êm? Con nói vẫn ngon, vì theo lời Đức Phật dạy ngủ ở đâu cũng ngon, nếu không có khởi tâm dâm dục.
- Đọc chú đại bi phải có mục đích nào đó. Nếu vì muốn mình an ổn, cần phải đọc chú đại bi, ví dụ xua đuổi con quỷ chẳng hạn, thì mình cư xử ác với nó rồi. Con không muốn giành lấy chỗ ở hay sự an ổn của ai, (ví dụ của con quỷ) nên con không học chú đại bi.
- Ai nói xấu con hay chửi mắng con thì con không giận họ và chúc họ may mắn. Ai nói tốt con hay khen tặng con thì con bình tâm, không để mình bị dính mắc vào ngã mạn, và con cũng chúc họ được hạnh phúc.
- Nói tốt, nói xấu hoặc khen, chê con thì rồi cũng vậy. Nhưng con phát hiện ra 2 tâm trạng : người cho con thức ăn thì con thấy họ rất vui và hạnh phúc, còn người chửi con thì con thấy họ đỏ mặt không tự nhiên.
- Con không phải là sư, là thầy gì cả. Con là công dân VN giống như mọi người thôi . Con chỉ muốn học tu. Con không có mục đích tuyên truyền hay rao giảng gì cả. Tất cả lời Phật dạy đều có trên mạng.
- Khi nào con thành tựu được chánh đẳng chánh giác con mới giảng pháp cho mọi người được. Bây giờ người nào muốn học thì cứ lên mạng nghe giảng của các sư thầy. Kinh sách nào của Phật cũng đều có cả.
- Những người tu hành, già cả hay nghèo khổ mình nên bố thí cho họ cơm ăn , y áo vật thực hay cái gì đó. Những người sa ngã, ăn chơi, hư hỏng, mình bày cho họ đừng sát sanh, trộm cắp, sống lương thiện, giữ trọn 5 giới, đó là bố thí pháp.
- Sáu năm qua con không là nhân sự ở chùa nào. Con không là Nam tông hay Bắc tông, cũng không phải là tu sĩ của GHPGVN, bởi con tự thấy đạo đức của con chưa đạt đến cảnh giới đó.
(Ngộ Trí Tâm, 19/5/2024 DL-12/4 AL)
Để tu được như sư Minh Tuệ, phải hội tụ vô vàn những đức tính: dũng cảm, kiên nhẫn, khiêm tốn, thật thà… Nói theo cách nhà Phật, đủ nhân duyên mới thành!
Nhưng chúng ta có thể học được từ vị sư này, ngay tại nhà mình, ngay bây giờ và tại đây mà không nhất thiết phải có một hình thức, cũng như trải nghiệm khổ hạnh như sư Minh Tuệ.
Đầu tiên, chúng ta học được sự kiên nhẫn - đây là một đức tính gần như quyết định sự thành công của con người. Sư Minh Tuệ đã tu như vậy gần 7 năm nay, hẳn là bậc cao thủ về sự kiên nhẫn. Chúng ta chỉ cần học được 1/1000 lần của sư đã rất thành công.
Thứ hai, chúng ta nhận ra rằng, môi trường xung quanh không cần phải thay đổi, cứ thuận tự nhiên mà sống, nếu ai đó làm mình khó chịu thì tránh đi, ai đó đã trót hãm hại mình thì cố gắng quên đi, ai đó đang nợ tiền mình mà không trả thì cũng tạm quên đi… Vấn đề là mình sẽ quyết tâm thay đổi bản thân mình, tìm mọi cách để tạo ra những thói quen tốt (tập thể dục, hạn chế nhậu nhẹt…), cố gắng tạo ra tinh thần tích cực, hướng về những điều đẹp đẽ… Khi mình thay đổi, tự nhiên xung quanh cũng thay đổi. Hãy nhớ rằng luật phòng chống bia rượu khi lái xe là cơ hội tốt để chúng ta hạn chế bia rượu "bất đắc dĩ" với bạn bè, dễ dàng nói không với "chén chú, chén anh" - điều mà trước đây chúng ta không dễ dàng khước từ.
Thứ ba, bắt đầu hiểu rằng, những tranh cãi, thắng thua, ganh đua, đấu đá, thiệt hơn… không còn quan trọng nữa, nó vô nghĩa và chỉ mang lại năng lượng tiêu cực mà thôi. Tự nhiên, chúng ta sẽ hình thành sự khiêm tốn, biết mình, biết người, biết sự thật của cuộc sống là rất giản dị và dễ sống…
Thứ tư, qua sự xuất hiện của sư Minh Tuệ, chúng ta mới thấy, để sống, để thở, để đi cả ngày mà sư chỉ ăn có mỗi một bữa chay tịnh, uống vài ngụm nước. Như vậy, vật chất không quá quan trọng, tiền bạc không phải mục tiêu để hạnh phúc, mà tất cả chỉ là phương tiện, quan trọng là cách dùng…
Thứ năm, danh tiếng, thương hiệu… sẽ tự đến, nếu chúng ta đủ kiên nhẫn và trong sáng tột cùng với công việc của mình đang có. Sư Minh Tuệ là một ví dụ cho điều này, sư không có quyền lực, chức tước, nhà cửa, tiền bạc… nhưng hiện tại sư đã rất nổi tiếng. Đây là một tín hiệu khá tích cực cho những người trẻ khởi nghiệp: không hậu duệ, không quan hệ, không tiền bạc... vẫn có thể thành công trên đường đời.
Còn rất nhiều điều để chúng ta chiêm nghiệm và học tập từ vị sư tuyệt vời này. Đây là một làn nước mát, tưới lên cái không khí ngột ngạt của thời mạt pháp, nhiễu nhương, thật giả lẫn lộn…