Hai sinh viên toán tại đại học Stanford nếu đã chọn con đường mà gia đình họ đã vạch ra thì giờ này chắc cả hai đều đã là những giáo sư toán xuất sắc, nhiều triển vọng tại các đại học lớn, để ngày đêm cặm cụi tìm ra lời giải đáp cho những bài toán phức tạp hoặc những vấn đề điện toán khó khăn trong thầm lặng.
Larry Page và Sergey Brin: hai nhà sáng lập công ty dò tìm dữ kiện Google
Cả Larry Page và Sergey Brin, hiện chỉ mới hơn 30 tuổi, đều sinh ra trong gia đình có truyền thống học vấn cao. Cha của Larry, giáo sư Carl Page, nay đã quá cố, là một trong những người tiền phong trong ngành điện toán và tin học. Ông đậu bằng cử nhân ngành điện toán năm 1960, ở vào thời gian mà lãnh vực này vẫn còn phôi thai và có được tấm bằng về điện toán là cả sự cố gắng lớn lao, xứng đáng được sự thán phục của những người theo ngành khác.
Giáo sư Carl Page là người đầu tiên trong gia đình của ông tốt nghiệp trung học và sau đó ông đã đậu bằng tiến sĩ ngành điện toán năm 1965. Trong những thập niên sau đó, Carl Page là giáo sư ngành điện toán tại đại học Michigan State University trong khi vợ là một giảng viên lập trình điện toán nơi đây. Cậu bé Larry Page đã bắt đầu yêu thích máy điện toán khi chỉ mới lên 6 tuổi. Người anh lớn của Larry Page, ông Carl Jr., cũng là một người có tên tuổi ở thung lũng điện tử Sillicon Valley khi đồng sáng lập công ty E-Groups. Người trong gia đình cho rằng nếu Larry Page đi trệch hướng, ra ngoài thế giới khoa bảng thì cũng là do thừa hưởng tinh thần sáng tạo, sự đam mê tìm tòi của cha.
Gia đình của Sergey Brin, gốc gác ở bên Nga, lại còn có một truyền thống khoa bảng lâu đời hơn cả gia đình Lary Page. Bà cố của Brin đã từng theo học ngành vi sinh học tại University of Chicago trước khi trở về Moscow năm 1921 để giúp xây dựng chế độ Mác Xít mới hình thành tại nước Nga. Ông nội của Brin cũng là một giáo sư toán tại Moscow, cha của anh, ông Michael Brin, cũng nối gót và lấy bằng tiến sĩ toán.
Là người gốc Do Thái, gia đình ông Michael Brin đã gặp mọi đàn áp bất công dưới chế độ Liên Xô. Năm 1979 ông đưa gia đình sang định cư tại Hoa Kỳ và định cư tại Maryland. Từ đó đến nay, ông là giáo sư toán tại đại học University of Maryland. Sergey đậu bằng cử nhân tại đây trước khi di chuyển sang California để học tiến sĩ tại Stanford, bước đầu dẫn đến việc gặp gỡ Larry Page và sự hình thành của Google sau này.
Theo lời kể lại của những người từng có mặt từ lúc đầu, cuộc gặp gỡ của hai nhà sáng lập Google Larry Page và Sergey Brin đã không lấy gì làm vui vẻ cho lắm. Năm 1995, Larry Page, lúc đó 24 tuổi, vừa ra cao học tại University of Michigan, đã đến Stanford một cuối tuần để viếng thăm trường. Sergey, lúc đó 23 tuổi, là một trong số các sinh viên có nhiệm vụ đón tiếp khách, dẫn họ đi mọi nơi và trả lời các câu hỏi. Larry và Sergey đã tranh luận hầu như về tất cả mọi vấn đề. Người nào cũng có những định kiến rất rõ rệt và rất khác biệt. Nhưng sau cùng thì họ cũng tìm ra một điểm tương đồng, đó là giải quyết một thử thách rất lớn của ngành điện toán: làm sao tìm được tin tức cần thiết trong một biển cả mênh mông của các dữ kiện.
Ðến tháng 1 năm 1996 thì Larry và Sergey đã đồng ý hợp lực với nhau để hình thành một máy truy cập (search engine) mang tên là “BackRub” với khả năng đặc biệt là phân tích những mạng nối dẫn đến một trang web hầu có thể thu ngắn thời gian tìm tòi. Larry được giao cho nhiệm vụ nối các máy điện toán cá nhân lại để hình thành một máy chủ (server) có khả năng hoạt động ngang như các máy điện toán lớn, đắt tiền gấp 100 lần hơn. Chỉ một năm sau, hệ thống “BackRub” của họ được cả trường cũng những người bên ngoài biết đến và bắt đầu sử dụng. Larry và Sergey lúc đó đang nghĩ đến cách hoàn thiện kỹ thuật này và các ý tưởng về “Google” đã bắt đầu hình thành.
Google thoát thai từ chữ googol, một từ ngữ được Milton Sirotta, cháu của nhà toán học Hoa Kỳ Edward Kasner đặt ra và được giáo sư Kasner nêu lên trong cuốn sách “Mathematics and the Imagination” của ông. Ðây là từ dùng để chỉ con số 1 cộng thêm 100 con số zero nữa. Việc sử dụng từ google cho thấy mục tiêu của Larry và Sergey đã được xác định rõ ràng: phải hệ thống hóa những nguồn tin tức có thể nói là vô tận trên web.
Nhìn thấy tầm mức quan trọng của vấn đề, cả hai người đều quyết định tạm thời gác việc học sang một bên để dành toàn thời giờ cho Google. Ngày 7 tháng 9 năm 1998, công ty Google Inc. ra đời trong một garage một người bạn ở thành phố Menlo Park, tiểu bang California. Công ty chỉ có tổng cộng 3 nhân viên. Trong “văn phòng” của họ, ngoài bàn ghế cần thiết còn có máy giặt, máy sấy và chỗ đậu xe của nhân viên đầu tiên của công ty, ngoài 2 ông chủ. Ðến tháng 2 năm 1999, công ty phải dời văn phòng đến Palo Alto vì nhân viên nay đã lên đến 8 người. Lúc đó mỗi ngày hệ thống Google đã có đến hơn 500,000 lượt truy cập. Công ty Red Hat là khách hàng lớn đầu tiên của Google, một phần cũng vì Google bằng lòng sử dụng Linux để chạy các máy chủ (server) của mình.
Ngày 7 tháng 6 năm 1999, công ty nhận được sự đầu tư tài trợ của hai công ty đầu tư kỹ thuật lớn hàng đầu tại Sillicon Valley là Sequoia Capital và Kleiner Perkins Caufield & Buyers đồng ý bỏ vốn với số tiền lên đến 25 triệu đô la. Giấy tờ giao kèo được ký trên chiếc bàn đánh ping-pong, được dùng làm bàn họp của công ty Google Inc.
Ngay sau đó, công ty Google bắt đầu phát triển về nhân sự. Nơi làm việc của nhân viên có lúc chật chội đến nỗi vì bàn kê quá sát nhau nên người này nếu muốn đứng lên phải nói người sau lưng mình kéo ghế sát vào. Ngày 21 tháng 9 năm 1999, công ty Google chính thức trình diện với đại gia đình internet. Chẳng bao lâu, vào tháng 5 năm 2000, Google trở thành nơi có dữ kiện truy cập lớn nhất thế giới với hơn 1 tỉ trang dữ kiện. Cuối năm 2000, Google đã nhận được hơn 100 triệu lần truy cập mỗi ngày. Công ty tiếp tục cải tiến, tìm ra những phương cách mới để giúp người sử dụng có thể kiếm được các dữ kiện mong muốn, bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu.
Năm 2003, công ty được lời 105.6 triệu đô la trên tổng trị giá thương vụ là 962 triệu đô la trong khi các công ty dot.com khác rơi rụng lả tả vì tình hình kinh tế. Tháng 8 năm 2004, công ty khởi sự việc bán cổ phần, với tổng số vốn huy động lên đến mấy tỉ mỹ kim. Ước mơ của Larry Page và Sergey Brin đã hoàn thành, nhưng họ đã hứa với mọi người là sẽ không bao giờ để bị ảnh hưởng từ các đại công ty đầu tư ở Wall Street mà sẽ chú ý đến quyền lợi của các cá nhân đầu tư vào công ty. Rất nhiều chuyên gia tài chánh đã tỏ ra nghi ngờ về lời tuyên bố này vì đây là điều trái ngược hẳn với truyền thống từ trước đến nay. Nhưng cũng có những người khác cho rằng Larry và Sergey bắt tay vào dự án Google chỉ vì muốn giúp cải thiện thế giới quanh mình và họ đã phải vượt qua bao trở ngại và khó khăn để có được ngày hôm nay nên sẽ giữ được lời hứa.
Via worklink