FMEA- Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

“Đừng để mất bò mới lo làm chuồng”

  • Câu này thực hiện theo đúng y chang tinh thần của FMEA, có nghĩa là khi “chuẩn bị” mua một con bò, thì chúng ta phải lường hết được các rủi ro có khả năng xảy ra, trong các rủi ro đó có rủi ro mất bò => Đây là một bước phân tích và chỉ ra kiểu lỗi (Failure Mode) là mất bò, và thời điểm là trước khi mua bò, có nghĩa là đây là một kiểu lỗi (Failure Mode) tiềm ẩn (Potential) chứ nó chưa xảy ra. Đây là điểm mấu chốt và quan trọng nhất của tinh thần FMEA chính là kịp thời (Timeless), có nghĩa là đừng để quá muộn, đừng để mất rồi mới làm.
  • Nó cũng nêu lên thực trạng áp dụng FMEA trong các doanh nghiệp hiện tại, đa số đều phát triển sản phẩm, xây dựng quy trình, thậm chí chạy nhiều năm liền rồi mới làm FMEA. Thì có nghĩa là từ lúc phát triển, chạy thử, chạy thật có bao nhiêu sai lầm, bao nhiêu hư hỏng, bao nhiêu con bò đã ra đi… Cho nên hồi đó phải chi làm FMEA từ lúc thai nghén sản phẩm, từ lúc ra ý tưởng có phải là chi phí thấp hơn nhiều? Thời gian tạo ra sản phẩm mới nhanh hơn nhiều? Cạnh tranh với đối thủ tốt hơn nhiều hay không? Cho nên, mấu chốt của FMEA là làm chuồng rồi mới mua bò. Nhưng mà nói vậy thì mấy người quản lý dự án lại bảo là không tối ưu, nên phải nói là làm sao con bò vừa dắt đến nhà thì chuồng cũng vừa xong.

Bộ ba quyền lực trong FMEA: Severity, Occurrence, Detection

  • Nhắc đến FMEA ta có bộ ba quyền lực, mà ở đây mình chỉ giải thích theo cách dân dã thôi, còn chi tiết thì mỗi bạn trong bộ ba sẽ làm một bài riêng:
  •  Severity

    Mức độ nghiêm trọng của mode lỗi, hay mức độ ảnh hưởng của mode lỗi có thể ảnh hưởng đến thành phẩm, đến an toàn của người sử dụng hoặc có thể gây ra những thiệt hại về chi phí, con người… Trong ví dụ trên thì con bò là một tài sản lớn đối với người nông dân, cho nên mất bò chắc chắn là mức độ Severity cao rồi. Dĩ nhiên mức độ nghiêm trọng khi áp dụng thực tế sẽ có thang điểm rõ ràng.
  • Occurrence

    Khả năng xuất hiện, khả năng xảy của mode lỗi, cũng như con bò để ngoài đường thì khả năng bị trộm cao hay không, tùy vùng. Ở nhiều vùng miền nước ta, người dân chưa kịp cúng, cô hồn đã nhào vô giựt, nên con bò không có chuồng chắc chắn khả năng mất cao, khả năng mất này cũng sẽ được minh chứng qua việc hàng xóm đã bị mất bò, người thân đã bị mất bò…
  • Detection
    Khả năng phát hiện khi kiểu lỗi xảy ra, trộm vô dắt bò đi thì khả năng bạn phát hiện ra cao không, chuyện này còn tùy vào điều kiện. Nếu bạn không có công cụ nào thì khả năng thấp, bạn trang bị một số công cụ như con chó mực, thì khi trộm vào, chó sủa báo động thì khả năng phát hiện cao hơn nhiều. Nhưng lưu ý, nếu trộm mà cũng ứng dụng FMEA, trước khi đi trộm, cũng ngồi phân tích hết các rủi ro có thể xảy ra, và nhận diện được sai sót có thể xảy ra, vụ trộm có thể thất bại do con chó canh nhà. Thì để hạn chế rủi ro này thì khả năng cao là trộm xử con chó trước rồi mới trộm sau. Trong sản xuất cũng vậy, có nhiều trạm, công cụ để phát hiện lỗi, thì hạn chế được nhiều hậu quả.
  • RPN: Risk Priority Number,
    Một trong những cách tiếp cận để phân loại ưu tiên cho từng kiểu sai hỏng là “Hệ số rủi ro theo thứ tự ưu tiên”
    RPN = Severity (S) x Occurrence (O) x Detection (D)
    Cho nên RPN có giá trị từ 1 cho đến 1000 trong một FMEA


Và lưu ý rằng RPN chỉ là một gơi ý, nó không phải là một chuẩn mực hay một tiêu chuẩn để bắt đầu hành động khắc phục. Nhiều người áp dụng cũng nhầm lẫn rằng RPN cao tương đương với rủi ro cao. Thật ra không phải vậy đâu, các bạn có thể xem ví dụ phía dưới.

Kiểu
Sai Hỏng

Severity

Occurrence

Detection

RPN

A

9

2

2

90

B

7

4

4

112

Ở bảng phía dưới, kiểu lỗi A có RPN là 90, kiểu lỗi B có RPN là 112. Nhưng nếu ưu tiên giải quyết thì chúng ta nên tập trung vào kiểu lỗi A do mức độ nghiêm trọng nó cao hơn kiểu lỗi B. Cho nên tự bạn lãnh đạo phải quyết định hành động dựa vào ngữ cảnh cụ thể của tổ chức mình.

Quay lại vụ mất bò mới lo làm chuồng, thì đại đa số các trường hợp thì việc mất bò là không thể thay đổi độ nghiêm trọng, cũng như trong sản xuất thì Severity thường chỉ có thể thay đổi khi thay đổi thiết kế. Cho nên phần còn lại khiến cho người chủ bò có quyết định làm chuồng hay không( có tiến hành hành động khắc phục hay không?) là dựa vào khả năng xảy ra và khả năng phát hiện. Giả sử ở nhiều vùng quê, nạn trộm cắp rất ít, thậm chí xe máy người dân không thèm dắt vào nhà, chưa bao giờ nge đến trộm bò, thì khả năng xảy ra vụ trộm rất thấp, dẫu rằng lúc này mất bò nghiêm trọng nhưng chủ nhà cũng có thể quyết định là không làm chuồng.

Tuanca (vietquality)

Category