- Phần 1: Các khái niệm trên đường găng: CPM, CCPM, Lead time, Lag time, Buffer, Work contour
- Phần 2: Các giải pháp giải quyết khi có xung đột xảy ra trên đường găng
Các khái niệm
Thời gian trễ (Lag Time)
Là khoảng thời gian dự trữ mà một công việc được phép trì hoãn mà không làm xê dịch thời gian bắt đầu thực hiện công việc tiếp theo (phụ thuộc vào công việc trước đó).
Thời gian gối chồng (Lead Time)
Là khoảng thời gian gối chồng giữa 2 công việc có mức độ phụ thuộc vào nhau.
Thời gian trôi nổi (Slack)
Là khoảng thời gian để công việc có thể "trôi nổi" bên trong hai mốc giới hạn thời gian là: Thời điểm khởi sớm nhất có thể và thời điểm kết muộn nhất có thể của công việc.
Dự trữ toàn phẩn (Total Slack hay Total Float): là lượng thời gian mà một hoạt động có thể bị trễ mà không làm trễ ngày kết thúc dự án.
Công thức: Total Float = Late Finish - Early Start – Duration
Để thuận tiện cho việc giải quyết xung đột sau này, nhà quản trị cần xác định một tập hợp các khoảng thời gian trôi nổi cho phép thông qua kỹ thuật duỗi thẳng (forward pass). Đây là một kỹ thuật sơ đồ mạng cho phép xác định thời điểm bắt đầu và kết thúc sớm nhất cho các họat động, công việc..
Đường găng (Critical Path)
Là đường cơ sở của dự án. Nếu có khiếu hài hước, chúng ta có thể gọi với tên dễ nhớ "long mạch" của dự án. Còn được gọi là con đường gạch vàng (yellow brick road).
Nếu có khiếu hài hước, chúng ta có thể gọi với tên dễ nhớ "long mạch" của dự án. Còn được gọi là con đường gạch vàng (yellow brick road).
CPM (Critical Path Method) là tên gọi của phương pháp đường dẫn cơ sở, tiếng Việt là "kỹ thuật đường găng", là loại kỹ thuật phân tích mạng tiến độ, công cụ quan trọng để quản lý dự án có hiệu quả. CPM là một kỹ thuật trong đó bạn xác định các nhiệm vụ cần thiết để hoàn thành dự án và xác định tính linh hoạt của việc lập lịch trình
CPM là một khái niệm quan trọng. Nếu bạn nắm không vững CPM thì khả năng là bạn sẽ không dưới một lần mất kiểm soát trong quản lý dự án và quản lý nguồn lực, tệ hơn nữa là thất bại ít nhất một dự án. Còn nếu bạn chưa gặp khái niệm CPM, tốt nhất bạn không nên nhận vị trí PM. Thay vào đó, hãy làm trợ lý (associate PM) cho một PM nào đó để lấy kinh nghiệm.
|
Các công việc dọc theo đường găng được gọi là các công việc then chốt (Critical Task). Đó là các công việc cần ưu tiên hoàn thành trong dự án, không thể bị trì hoãn hoặc chậm trễ. Nếu phân bổ nguồn lực nhiều cho các công việc này, dự án sẽ hoàn thành dễ dàng và sớm hơn mong đợi. Trong khi đó, các công việc nằm ngoài đường găng thì có thể được tự do dịch chuyển, hoặc trì hoãn, hoặc tách đôi trong phạm vi thời gian đệm cho phép của nó.
Các đặc điểm của đường găng:
- Đường găng là đường nối các hành động liên tục có thời gian dự trữ bằng 0.
- Đường găng là đường dài nhất trong sơ đồ mạng, biểu diễn thời gian ngắn nhất mà dự án có thể hoàn thành.
- Đường găng là một tập hợp các công việc phải được thực hiện đúng tiến độ, những công việc này sẽ ảnh hưởng đến thành công của dự án nếu có sự trì hoãn.
- Đường găng sẽ không có ý nghĩa nếu không có đủ tài nguyên để thực hiện. Trong trường hợp đó sẽ phải thay đổi lại đường găng.
- Một dự án có thể có nhiều đường găng.
Thiết lập “vùng đệm” (Buffer)
Vùng đệm được thiết kế để bảo vệ dự án và mốc hoàn thành khỏi sự thay đổi xảy ra trong chuỗi đường găng, hay nói một cách khác là hạn chế rủi ro của toàn bộ dự án.
Kỹ thuật đệm thường hay sử dụng trong các môi trường có nhiều dự án thực hiện song song để hạn chế sự biến đổi trong sơ đồ mạng có thể xảy ra. Có 3 dạng bộ đệm: Feeding Buffer (phân bổ cho công việc), Project Buffer (phân bổ cho dự án) và Resource Buffer (phân bổ cho tài nguyên). Một thí dụ về phân bổ tài nguyên là khi doanh nghiệp lưỡng lự cấp phát tài nguyên cho dự án, khi đó tài nguyên đó mặc dù không tham gia trực tiếp nhưng được đưa vào bộ đệm để lúc nào cũng có thể sẵn sàng tham gia hỗ trợ dự án.
Lưu ý: Buffer và thời gian trôi nổi (Float, Slack) là 2 khái niệm khác nhau. Thời gian trôi nổi chỉ đơn thuần là kết quả tính toán tìm ra khoảng thời gian dự kiến cho các công việc không nằm trên đường găng. Còn vùng đệm (thí dụ Feeding Buffer) được thiết kế để ngăn sự biến đổi được dự báo có thể ảnh hưởng đến đường găng.
Đường tải trọng biến thiên (Work Contour)
Đây là phương pháp thiết lập mức độ tập trung của nhân sự đối với công việc nào đó. Có nhiều dạng đường tải trọng biến thiên chuẩn như “Flat”, “Front-Loaded”, “Back-Loaded”, “Bell”, “Double Peak”, “Early Peak”, “Late Peak”, “Turtle”... Thí dụ nhà quản trị giao công việc “Thiết kế” cho nhân viên Phạm Đình Trường. Ban đầu nhân viên đó sẽ dành ít thời gian cho công việc (do phải san sẻ thời gian với dự án/công việc khác), nhưng nửa giai đoạn về sau anh ta sẽ dành nhiều thời gian cho công việc này, và đến cuối thì công việc giảm dần. Như vậy Work Contour của anh A sẽ là “Bell” (hình tháp chuông).
Lưu ý: Nhà quản trị khi phân bổ công việc theo đường Contour cần hết sức thận trọng. Một công việc có buffer hay thời gian trễ quá lớn, cũng như tải trọng tập trung vào nửa giai đoạn sau của công việc sẽ khiến cho nhân viên thiếu trách nhiệm trong quản lý thời gian, vì theo định luật Parkinson, công việc lúc nào cũng có thể phình ra để lấp đầy thời gian cho phép. Và như vậy cho dù có thời gian dự trữ dôi ra nhưng nhân viên đó lúc nào cũng làm công việc vừa đủ thời gian.
Mô hình quản trị dự án dựa vào chuỗi găng (Critical Chain Project Management)
Trong lý thuyết quản trị hiện đại, mô hình quản trị chuỗi găng (Critical Chain Project Management - CCPM) đóng vai trò quan trọng trong việc phân tích sơ đồ mạng GANTT nhằm ngăn chặn các rủi ro không mong muốn. Phương pháp CCPM nhấn mạnh vào tài nguyên cần đề thực hiện công việc, điều này tương phản với phương pháp truyền thống là nhấn mạnh vào thứ tự công việc cùng với một lịch biểu cứng nhắc. Trong phương pháp CCPM, các tài nguyên được phân bổ rất linh họat và có thể dễ dàng chuyển đổi qua lại giữa các công việc một cách mềm dẻo, và trên mỗi mắt xích trên đường găng sẽ được bổ sung buffer để hạn chế rủi ro. Có thể nói trong mô hình này, người quản trị sẽ tập trung vào kiểm soát tỉ lệ tiêu thụ các buffer hơn là hiệu suất công việc.
Tìm hiểu thêm: Phương pháp đường găng CPM trong quản lý dự án
Xem tiếp phần 2: Các giải pháp giải quyết khi có xung đột xảy ra trên đường găng
Trích luận án thạc sỹ Phạm Đình Trường.