Tư Duy Cái Đinh Và Quả Mít – Vì Sao Một Số Người Lại Không Thể Thành Công?

Chiến lược gai mít

TƯ DUY CÁI ĐINH VÀ TƯ DUY QUẢ MÍT

Chắc hẳn, không khó để bạn nhận ra hai hình ảnh này có gì đối lập. Quả mít có rất nhiều gai, nhiều mũi nhọn nhưng cái gai mít nào cũng ngắn, và bởi vì quả mít cũng tròn xoe nên nó chỉ có thể lăn tròn, chỉ cần tác động lực nhẹ là nó cũng bị lăn, chứ rất khó cố định hay đứng chắc chắn tại một vị trí. Cái đinh thì ngược lại. Nó chỉ có một mũi nhọn, nhưng mũi nhọn ấy rất dài. Chính vì lẽ đó, người ta mới dùng đinh để cố định vị trí, đóng giường, tủ, bàn, ghép gỗ lại vì đinh đã đóng rồi rất khó gỡ ra. Đó là lý do người xưa hay nói “Chắc như đinh đóng cột”.

Như vậy, quả mít và cái đinh là hai hình ảnh tương phản ẩn dụ cho SỰ TẬP TRUNG, CHUYÊN SÂU, ĐỘT PHÁ. Và chắc hẳn, đọc đến đây thì bạn cũng đã hiểu vì sao một số người có tư duy quả mít lại không thể thành công. Có một nhóm người, họ luôn thích tất cả mọi thứ, cái gì cũng biết, nhưng không biết chuyên sâu. Các cụ vẫn bảo “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề” là vậy. Hiện tượng tâm lý này, lỗi là do ai? Câu trả lời là không của riêng ai.

SỰ KHÁC BIỆT CÁCH TƯ DUY TỪ GIÁO DỤC

Hãy tạm thời không phán xét các nền giáo dục, chỉ đem ra so sánh để cùng nhau học hỏi (nhất là với những bạn du học sinh, hoặc người am hiểu về giáo dục sẽ có góc nhìn toàn diện hơn). Ở nước Mỹ có gần 5000 trường đại học, cao đẳng cả công lập và tư thục. Dĩ nhiên, ở đâu thì cũng có trường nọ trường kia, nhưng có một số trường của Mỹ, họ đào tạo sinh viên theo xu hướng “tư duy cái đinh” – tức là dù đào tạo ít ngành, nhưng họ luôn tự hào về ngành của họ, và họ muốn phát triển để ngành của mình là số 1.

Ví dụ trường cao đẳng cộng đồng North Seattle thành lập năm 1970, trường có các chương trình khoa học, kỹ thuật, và công nghệ mạnh mẽ và chuyên sâu. Thành phố Seattle là nơi đặt trụ sở của Boeing ngày xưa, và trường của họ đào tạo một ngành nổi tiếng là kĩ sư sửa máy bay Boeing – nhưng họ tự hào họ là top đầu về lĩnh vực này. Nếu bạn quan tâm đến bóng rổ, bạn sẽ thấy có nhiều chiếc áo ghi chữ UCLA. Vì sao vậy? Vì sinh viên của UCLA (University of California, Los Angeles) nổi tiếng với hoạt động ngoại khóa là môn bóng rổ. Theo thống kê, UCLA là top đầu các trường đại học có cầu thủ thi đấu NBA (Giải đấu bóng rổ chuyên nghiệp những cầu thủ ưu việt tại Mỹ) nhiều nhất trong lịch sử Mỹ.

Hoặc trường USC (University of Southern California) – trường này nổi tiếng là trai xinh gái đẹp yêu thích nghệ thuật, họ chuyên đào tạo về điện ảnh để đưa ra nhân tài cho kinh đô Hollywood. Havard họ tự tin nhất 4 ngành là luật, y, kiến trúc và kinh doanh (bussiness).

Trong khi thực trạng nền giáo dục của ta là gì? Có những ngành đào tạo mà gần như “trường nào cũng có”, chẳng hạn như quản trị kinh doanh, kế toán, có những trường không liên quan nhiều đến luật cũng mở ngành luật,… Chưa kể, sinh viên chuyên ngành của những trường top trong lĩnh vực ấy cũng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa khi học, chứ không học chuyên sâu. Hóa ra, thiếu tư duy chiều sâu và chuyên sâu đã hình thành ngay từ thời đi học. Điều này lý giải một phần nào đó lý do mà nhiều bạn trẻ bị thiếu tư duy cái đinh hay tư duy chiều sâu là vậy. Có thể học cái gì cũng biết chút chút, nhưng giỏi thực sự thì chưa chắc.

Cho nên, tư duy bạn cần xây dựng ngay từ bây giờ đó là TƯ DUY CÁI ĐINH, hay còn gọi là SIÊU TẬP TRUNG. Hãy xác định một điều gì đó và quyết tâm theo đuổi. Một điều gì đó để bạn quyết tâm và xác định là mình sẽ lọt vào top 10% giỏi nhất. Một bác sĩ trung bình thì cuộc sống vẫn nghèo khó, nhưng một anh chàng đam mê taxi, xe ôm và xây dựng nên đế chế Grab hay Uber thì vẫn là người nổi tiếng. Một luật sư trung bình cũng sẽ chẳng có ai biết đến, nhưng một người nuôi nhím giỏi nhất Việt Nam thì chắc chắn sẽ có cả một cơ ngơi và gia tài. Cho nên, không quan trọng là bạn làm gì, quan trọng là bạn làm việc gì với đẳng cấp như thế nào.

Để siêu tập trung, bạn phải học được cách nói KHÔNG.

Đủ nhiệt tình để nói có đã khó, đủ bãn lĩnh để biết nói không còn khó hơn.

Năng lượng của chúng ta đều giới hạn, nó cũng giống như cục pin điện thoại. Nếu chiếc điện thoại của bạn có quá nhiều ứng dụng và dùng quá nhiều ứng dụng thì dĩ nhiên nó nhanh hết pin là phải. Một ngày của bạn cũng chỉ có 24h, nếu việc gì bạn cũng muốn, cũng thích làm mà không siêu tập trung vào một việc để thật giỏi nó thì rất khó để bạn thành công. Napoleon Bonaparte từng nói “Cốt lõi của quân sự là việc phân bổ lực lượng ở đâu và không phân bổ lực lượng ở đâu”. Hay Warren Buffett cũng nói triết lý của mình trong kinh doanh là “Học cách nói không với quyết định đầu tư nào đó cũng quan trọng như học cách nói có với quyết định đầu tư khác”. Tuổi trẻ, tâm lý chúng ta đôi khi sẽ rơi vào trạng thái cái gì cũng thích, cũng hứng nhưng khó theo đuổi được một điều gì đó lâu dài. Nhưng tư duy đúng phải là: chịu khó hiểu bản thân, chịu khó rèn luyện, biết mình, biết nghề, nói không với nhiều thứ và tập trung vào số ít việc để làm thật xuất sắc nó.

THIẾU CẢ THẦY GIỎI LẪN THỢ GIỎI

Đã qua rồi một thời chúng ta nói đến việc “thừa thầy thiếu thợ”, mà bây giờ là thời đại của thừa bằng nhưng thiếu cả thầy giỏi lẫn thợ giỏi. Edward vẫn thích nhấn mạnh con số 300.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp sau khi ra trường. Có nhiều người, trốn tránh thực tại thất nghiệp, không có việc bằng cách học lên cao hơn. Để rồi khi đi làm thì không có năng lực. Một bộ phận không nhỏ yếu kém và lười biếng, dẫn đến hiện trạng việc chân tay thì ngại không muốn làm, còn việc chất xám thì không đủ trình độ để làm được. Ở các nước phát triển, những việc “chân tay” (gọi là lao động bán sức), ví dụ như Singapore với việc lái xe taxi, có rất nhiều người lớn tuổi, trung niên, thậm chí ông cụ hơn 80 tuổi chạy taxi. Còn ở Việt Nam, kể từ ngày Uber, Grab xâm nhập, chưa bao giờ lực lượng chạy grab, uber là các thanh niên trẻ tuổi lại nhiều như vậy. Trong khi lẽ ra, đó phải là thế hệ làm nhiều việc lớn hơn, gian khó hơn, và tạo ra giá trị lẫn tầm ảnh hưởng nhiều hơn.

Lý do là bởi vì thiếu kỹ năng và thái độ tốt. Điều này đã được phân tích ở PHẦN I (https://tamly.blog/vi-sao-mot-so-nguoi-lai-khong-the-thanh-cong). Dần dần dẫn đến hiện tượng “khủng hoảng tuổi trung niên”. Và kết quả là không thể thành công được. Còn ở PHẦN II này, hãy nói nhiều hơn về tư duy cái đinh và quả mít. Cho nên, trong thế kỷ 21, hoặc là hãy quyết tâm trở thành người thầy thực sự giỏi, hoặc hãy quyết tâm để trở thành một người thợ lành nghề.

MÔ HÌNH CHỮ T – ĐIỀU KIỆN ĐỂ THÀNH CÔNG

Khi bạn học, bạn đi làm, bạn phát triển, bạn buộc phải phát triển theo mô hình chữ T, bạn phải vừa phát triển theo chiều dọc lẫn chiều ngang, tức cả chiều sâu lẫn chiều rộng.

Phát triển theo chiều sâu

Chiều dọc chính là việc bạn tập trung phát triển chuyên sâu trong lĩnh vực của mình. Như đã đề cập, không một ai có thể thành công nếu họ không chuyên sâu. Công thức cũ không có gì thay đổi là công thức 10.000h – ít nhất là 5 năm – 7 năm trong nghề để phần nào đó là chuyên gia. (Còn tùy vào sự phát triển của mỗi người và không bị mắc phải bẫy tâm lý “Mắc kẹt ở mức trung bình” sẽ nói ở một bài khác). Vậy làm sao để có thể đi nhanh nhất trong con đường trở thành chuyên gia? Có hai cách:

Cách thứ nhất là thử và sai (Trial and Error), bạn buộc phải trải nghiệm

Chẳng hạn, bạn sẽ chẳng thể nào biết đi nếu không đã vấp ngã đôi lần. Bạn cũng sẽ chẳng thể nào biết bơi nếu không chịu nhảy xuống hồ và đã vài lần uống nước hoặc sặc nước. Tình yêu đầu là thứ tình yêu nhiều cảm xúc nhưng cũng là thứ tình yêu hiếm khi ở lại. Lý do là vì khi yêu lần đầu, chúng ta hiếm khi thực sự hiểu hết về tâm lý của người còn lại, và càng chưa thể có kinh nghiệm trong việc học cách cùng chung sống và yêu thương một người. Đi làm khác với ở trường học là chỗ đó. Ở trường, ở câu lạc bộ, mọi thứ đều là giả định. Nhưng ra ngoài cuộc sống, tất cả đều thật. Bạn làm sai với khách hàng, bạn sẽ bị sếp mắng. Bạn làm sai pháp luật, bạn sẽ phải trả giá. Ra ngoài cuộc sống thật, không có từ “nếu” hoặc “giá mà”. Nhưng cũng chính vì vậy, sau khi thử và sai, bạn tự rút được bài học cho mình. Chẳng hạn, một đứa trẻ thích nghịch lửa, và rồi khi nghịch lửa nó bị bỏng. Chính vì việc bỏng tay làm cho nó học được bài học, đừng đùa với lửa. Tuy nhiên, có những chuyện không thể thử và sai, chẳng hạn không thể nào “thử cho tay vào ổ điện xem có giật không” và học bài học khi sai được.

Cách thứ hai là tìm một người thầy giỏi và được họ kèm cặp (On the Job Training - OJT)

Thầy ở đây là nghĩa rộng, ám chỉ người có cả kĩ năng, kinh nghiệm, kiến thức nhiều hơn mình trong một điều gì đó. Không có con đường nào nhanh hơn con đường học từ người đi trước. Có những chuyện, họ đã phải trả giá (Trial and Error) để học được bài học. Tại sao không học từ họ cho nhanh. Chẳng hạn, tại sao phải kỳ công ngồi nghiên cứu cách chế tạo ra đèn dầu trong khi cả xã hội đã có đèn điện. Để thành công, con đường nhanh chóng là tìm đến người đã thực hiện được mục tiêu mà mình đang hướng tới, và hỏi họ. Dĩ nhiên, bạn phải chọn những người thầy xứng đáng (có cả tâm và tài), và phải là người tốt. Tuy nhiên, bạn cũng phải kết hợp với cả cách thứ nhất. Vì có nhiều người kỹ tính quá, chỉ học mà không có làm (không dám thử và sai). Bạn có thể học cả đống kiến thức về tình yêu từ một người đã có mối quan hệ hạnh phúc, nhưng người mà bạn yêu không phải là người họ sẽ yêu, cho nên không có cách nào là bạn vẫn phải trải nghiệm. Thầy của bạn có thể là một kình ngư nổi tiếng, dạy cho bạn đủ các loại kĩ thuật bơi, nhưng nếu bạn không chịu nhảy xuống hồ thì mãi mãi không bao giờ bạn biết bơi.

Phát triển theo chiều rộng

Chuyên sâu là điều kiện cần, còn phát triển rộng là điều kiện đủ. Điều này lý giải có nhiều người, là chuyên gia nhưng không thể nào là quản lý lãnh đạo, bởi vì để thành công là một chuyện khác. Chẳng hạn, một ca sĩ hát hay và một ca sĩ nổi tiếng là hai chuyện khác nhau. Hát hay thì cần chất giọng, sự tập luyện, kiến thức chuyên môn về hát. Còn ca sĩ nổi tiếng, họ cần thêm cả những kiến thức chiều rộng chẳng hạn như kĩ năng lăng xê bản thân, kỹ năng nói chuyện trước đám đông, kỹ năng xây dựng thương hiệu cá nhân, khả năng làm việc nhóm với nhà sản xuất, đối tác, khả năng quản trị hình ảnh bản thân, khả năng xử lý khủng hoảng và scandal,… Đó cũng là lý do vì sao có nhiều người đam mê lĩnh vực của họ, là giáo sư, tiến sĩ, kiến thức đầy mình nhưng họ chẳng bao giờ quản lý ai cả.

Vậy, nếu muốn thành công thì sau khi bạn rèn luyện chuyên sâu, thậm chí là song song với quá trình rèn luyện chuyên sâu, bạn cần mở rộng vùng kiến thức và vùng trải nghiệm của mình ra. Và bí quyết ở đây, bạn học thêm càng toàn diện càng tốt. Kỹ năng teamwork, kiến thức về tài chính, kiến thức về khoa học máy tính, kiến thức về marketing, critical thinking, kỹ năng viết lách, kỹ năng quản lý lãnh đạo, kỹ năng thuyết trình, kiến thức về tâm lý ứng dụng,… biết càng nhiều càng tốt. Bạn học gì cũng đều tốt hết. Chẳng hạn biết một chút về luật, khi trưởng thành bạn sẽ hiểu cặn kẽ hợp đồng lao động như nào, khi thuê nhà bạn sẽ hiểu được hợp đồng dân sự thuê nhà ra sao, đỡ bị thiệt thòi vì thiếu kiến thức. Ngày xưa, trong quãng thời gian lang thang ở trường Reed College, chính việc tham gia học lớp học thư pháp mà sau này các máy tính của Apple mới có những kiểu chữ tuyệt đẹp không ai có thể sao chép được. Tất cả mọi thứ bạn học, sau này đều sẽ cần dùng đến.

Tổng kết lại, bài này tập trung nói về TƯ DUY CÁI ĐINH và rèn luyện thói quen SIÊU TẬP TRUNG để thành công, tránh tình trạng cái gì cũng biết mà chẳng giỏi cái gì. Đồng thời, chỉ ra hướng phát triển toàn diện cả theo chiều dọc và chiều sâu. Edward tin rằng, khi lớp trẻ chúng ta có nhiều người toàn diện, có nhiều chuyên gia giỏi (chuyên sâu) và có nhiều người kiến thức rộng (am hiểu rộng), dần dần chúng ta sẽ tạo ra được nhiều giá trị lớn hơn. Sẽ không còn những con số như năng suất lao động của người Singapore bằng 23 lần người Việt (1 người Singapore làm bằng 23 người Việt làm) – tỉ lệ ấy sẽ giảm đi. Cũng hy vọng sẽ chẳng còn những bài báo với nội dung tựa như “Chúng ta có hàng chục nghìn người Việt sang Hàn Quốc, và chúng ta cũng có hàng chục nghìn người Hàn Quốc sang Việt Nam, chỉ có điều người Việt sang đó làm công nhân, còn người Hàn sang Việt để làm quản lý lãnh đạo”.

Hy vọng, sẽ có nhiều bạn trẻ xây dựng cho mình một tư duy đúng, đặt nền móng cho thành công sau này.

Theo tamly.blog