“ A metaverse company” hay “the enterprise metaverse” luôn là cụm từ được các nhân vật CEO nổi tiếng trên thế giới nhắc đến rất nhiều thời gian gần đây. Vậy, metaverse là gì và nó có vai trò như thế nào trong sự phát triển không ngừng hiện tại của internet?
Khái niệm metaverse
Được cấu thành từ hai từ “meta” (siêu, vượt ra khỏi) và “verse” – viết tắt của universe (vũ trụ). Có thể hiểu khái niệm metaverse nghĩa là siêu vũ trụ kỹ thuật số, nơi mà con người có thể tương tác, quan sát, cảm nhận những thứ xung quanh, dựa trên sự phát triển của công nghệ mô phỏng thực tế ảo.
Về cốt lõi, Metaverse là một lĩnh vực hoạt động giống như internet mà chúng ta vẫn quen sử dụng. Nhưng với Metaverse, hình đại diện của chúng ta có thể di chuyển và tham gia vào các thế giới ảo, có thể dạo chơi với bạn bè, làm việc, tham quan các địa điểm, mua bán hàng hoá và dịch vụ, tham gia các sự kiện trực tuyến.
Trên thực tế, đây không phải là từ ngữ mới xuất hiện trong những năm gần đây. Cách đây gần 2 thập kỷ, thuật ngữ “Metaverse” đã được tác giả Neal Stephenson sử dụng trong cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng “Snow Crash”. Đến tận sau này, đây vẫn luôn là đề tài thú vị, xuất hiện ở nhiều bộ phim nổi tiếng như “The Matrix”, “Ready Player One” hay “Minority Report”.
Như một lẽ tất yếu đến từ sự phát triển nhanh chóng của internet, metaverse giờ đây không còn là ý tưởng mang tính viễn vông nữa. Càng này càng có nhiều tập đoàn công nghệ bắt tay vào việc hình thành, phát triển những hệ thống liên quan đến metaverse. Đây được xem là tương lai mới của internet và nó có thể tác động đến đa dạng các ngành nghề dịch vụ, kinh tế, xã hội khác nhau.
Vai trò của metaverse
Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện tại, sự phát triển của công nghệ là điều quan trọng giúp duy trì các hoạt động thường nhật từ giáo dục cho đến công việc văn phòng, giao dịch mua bán. Và chính sự xuất hiện của metaverse có thể nâng những hoạt động đó lên một tầm cao mới.
Theo nội dung bức thư được chia sẻ từ Mark Zuckerberg - CEO Facebook, mạng xã hội này đã công bố các công cụ mới để giúp mọi người xây dựng cho metaverse, bao gồm Presence Platform, sẽ cho phép trải nghiệm thực tế hỗn hợp mới.
Lấy ví dụ, Zoom hay Google Meeting đều là những nền tảng tuyệt vời giúp ích trong lĩnh vực giáo dục cũng như tương tác trực tuyến. Nhưng không phải tất cả học sinh đều giữ được sự tập trung, hào hứng học tập khi nhìn qua một màn hình suốt khoảng thời gian dài. Vì thế, tập đoàn SK Telecom và nhiều trường đại học đã cho ra mắt nền tảng mô phỏng những khuôn viên, lớp học ảo, nơi mà các sinh viên có thể tổ chức các buổi hội thảo, tương tác với nhau như ngoài đời thật thông qua công nghệ thực tế ảo VR. Đó sẽ là một trải nghiệm học tập cực kỳ thú vị mà khó có ai có thể bỏ qua.
Thuyết trình ảo 3D
Một ứng dụng khác là thuyết trình ảo, bạn có thể dễ dàng tạo ra một video thuyết trình ảo sống động, hiệu quả... mà bình thường trong môi trường thật không thể làm được, hoặc thời gian để hoàn thành một thuyết trình sẽ tính bằng tháng thì trên môi trường ảo, với đầy đủ công cụ có sẵn sẽ giúp bạn rút ngắn thời gian làm thuyết trình chỉ còn vài giờ.
Metaverse doanh nghiệp - nền tảng Microsoft
CEO Microsoft Satya Nadella cho biết công ty đang làm việc để xây dựng một "metaverse doanh nghiệp" (enterprise metaverse) khi thế giới số và vật lý hội tụ trong các dịch vụ của công ty.
Microsoft, công ty sở hữu Xbox và trò chơi xây dựng thế giới Minecraft, cũng là một công ty quan trọng trong thế giới game. Ông chủ Xbox, Phil Spencer, đã nói về việc lập kế hoạch cho "một cấu trúc siêu thực tế hoặc hỗn hợp" (a metaverse or mixed-reality construct).
Cơ hội nào cho marketers
Metaverse tạo nên không gian mà ở đó con người có thể cảm nhận mọi thứ thực tế hơn. Chúng ta còn có thể sáng tạo, khám phá, trải nghiệm, tham gia tương tác, xây dựng nên một ý tưởng mới mang giá trị thực tiễn cao hơn.
Cũng như thời điểm hiện tại, khi các marketers luôn phải sử dụng các công cụ tối ưu hóa nguồn dữ liệu và tìm kiếm qua các kênh như Google, Bing hay qua Youtube. Trong tương lai, họ sẽ có thêm một kênh mới để làm điều đó, theo một cách rộng hơn và thuận lợi hơn, đó là metaverse.
Nhiều thương hiệu nổi tiếng như Gucci, Nike, Snap, và Facebook cũng đang trong quá trình tạo ra một metaverse của riêng mình. Đây được xem là nỗ lực hình thành nên một thế giới ảo riêng của thương hiệu, nơi mà người dùng có thể dễ dàng tiếp cận đến các loại hình sản phẩm, dịch vụ.
Xu hướng metaverse cũng đang dần xuất hiện trong đời sống hiện tại. Facebook từng tạo ra trào lưu tạo ra avatar dựa theo hình mẫu ngoài đời thật của người dùng hay những nhóm nhạc, ca sĩ ảo xuất hiện trong những chương trình lớn. Vì thế, biết đâu đó, những nhân vật nửa thật nửa ảo này sẽ trở thành những “metaverse KOLs” trong tương lai?
Kết luận
Trong tác phẩm “Ready for Player One” của Ernest Klein, metaverse được xây dựng với khuynh hướng khá tiêu cực, nơi đó giống với một “thiên đường ảo” nơi con người luôn mong muốn bước tới để thoát khỏi thế giới thực đầy rẫy khó khăn. Trên thực tế, bức ảnh Mark Zuckerberg xuất hiện tại sự kiện của Samsung với khuôn mặt vui vẻ giữa rừng người mang chiếc kính VR đã từng khiến cả thế giới phải ngẫm nghĩ về sự phát triển đáng sợ của công nghệ.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, metaverse hay công nghệ hiện đại nói chung không hề xấu. Nó mang lại sự liên kết khác giữa con người với con người, mang lại công cụ giúp chúng ta học tập, làm việc một cách thuận lợi và dễ dàng hơn. Metaverse hứa hẹn sẽ là tương tai của internet và sẽ là vùng đất mới cho những marketers.