Nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định về vai trò quan trọng của văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh trong bối cảnh hiện nay.
Nhà sử học Dương Trung Quốc dẫn lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Và nhà sử học Dương Trung Quốc đặt câu hỏi, liệu văn hóa có trở thành ngọn đuốc soi đường cho các hoạt động, triết lý kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam được không?
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, trong bối cảnh hiện nay, văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh chính là triết lý then chốt cho sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp. Để có thể soi đường, văn hóa doanh nghiệp sẽ phải đóng vai trò là “ngọn đèn, ngọn đuốc”.
“Tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng, nơi tối nhất lại chính là ở dưới chân đèn. Vì vậy, để văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh thực sự trở thành yếu tố sống còn thì mỗi doanh nghiệp, doanh nhân thay vì dừng ở triết lý, hãy quan tâm nhiều hơn đến việc cụ thể hoá thành hành động”, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ.
Thực tế, đã có nhiều bài học trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp cho thấy, nếu thiếu sự quan tâm cần thiết đối với việc xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức kinh doanh thì thiệt thòi là chính các doanh nghiệp.
Đã có không ít doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bất chấp, vì đồng tiền mà đánh cược cả niềm tin đang dần cạn kiệt từ phía khách hàng. Nhiều doanh nghiệp từng là thương hiệu đình đám trên thị trường bỗng chốc “đổ bể”.
Những bài học đau xót đó cho thấy vấn đề văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh đã không thể chỉ là khẩu hiệu của mỗi doanh nghiệp, mà ngược lại văn hóa và đạo đức kinh doanh phải luôn được các doanh nghiệp, doanh nhân xem như một triết lý sống còn cho sự tồn tại và phát triển của mình. Vậy, chúng ta cần phải làm thế nào để xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân tốt hơn? Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, dòng chảy lịch sử và tốc độ của nó đặt chúng ta trước rất nhiều thách đố. Làm thế nào để tạo ra một tâm thế tỉnh táo để tồn tại là khó nhất.
“Văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân suy cho cùng chính là cách chúng ta ứng xử với con người, với thiên nhiên. Chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ, coi đây là cơ hội cho cả lịch sử loài người”, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ.
Nhìn lại lịch sử, nhà sử học Dương Trung Quốc đúc kết, khi trai trẻ đầy sức sống, chúng ta nung nấu bởi câu hỏi ai thắng ai? Lúc đó cứ nghĩ mình thắng, nhưng có thắng cái này lại thua cái khác. Lúc trưởng thành thì lại băn khoăn ai hơn ai? Mà thực ra, hơn cái này, lại kém cái khác. Nhưng đến thời kỳ này, phải đặt câu hỏi ai cần ai? Đó là giá trị của chính mình.
Ai hơn ai, ai giỏi hơn ai, không còn là vấn đề quan trọng. Thời kỳ này, phải đặt câu hỏi ai cần ai? (Nhà sử học Dương Trung Quốc)
“Triết lý sống của chúng ta ngày hôm nay là trả lời câu hỏi ai cần ai. Thời của sự thay đổi, chúng ta có thể phát huy giá trị cốt lõi của con người, tính nhân bản, đó là sự kết nối với nhau. Lịch sử loài người qua rất nhiều thăng trầm, đặt suy nghĩ của mình trong một cộng đồng, để hiểu gắn kết là sự tồn tại và phát triển, là sứ mệnh để trao truyền. Nó là giá trị”, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Ngoài có nhiều ý kiến cũng cho rằng không thể đợi có tiền mới làm thương hiệu, chờ giàu có mới quan tâm đến văn hóa và đạo đức kinh doanh, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, từ khẩu hiệu đến hành động là một quá trình.
Mười mấy năm thực hiện khẩu hiệu “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, dường như các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tìm cách giải cứu nhau chứ chưa thực sự chinh phục thị trường trong nước bằng chất lượng và niềm tin dành cho các sản phẩm Made in Việt Nam. (Nhà sử học Dương Trung Quốc)
Tuy nhiên, phải có khẩu hiệu đúng thì mới có thể đi đúng hướng được. “Chính vì vậy mà qua mười mấy năm thực hiện khẩu hiệu “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, dường như các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tìm cách giải cứu nhau chứ chưa thực sự chinh phục thị trường trong nước bằng chất lượng và niềm tin dành cho các sản phẩm Made in Việt Nam, ông Quốc nói.
Cuối cùng, việc chỉ chú trọng đến kết quả kinh doanh trước mắt mà không quan tâm đến hình ảnh chính là vết đứt trong phát triển, làm sự phát triển đó không bền vững”. Trong thời buổi thị trường thay đổi như vũ bão, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp có lúc còn bị coi nhẹ. “Nguyên nhân của thái độ coi nhẹ này thường đến từ lãnh đạo doanh nghiệp. Vì giá trị của thương hiệu cũng như giá trị văn hóa khó đo lường, không ít nhà quản lý thường bỏ qua hoặc ràng buộc nhân viên bằng các quy định, để văn hóa phát triển tự phát. Đến một lúc nào đó, lãnh đạo giật mình nhận ra doanh nghiệp của mình không có bản sắc gì. Doanh nghiệp khi đó buộc phải “đại phẫu”, nếu không muốn bị sụp đổ...”.