Dữ liệu đang ngày một tăng lên với tốc độ chưa từng có. Trên thực tế, 90% dữ liệu trên thế giới ngày nay đã được tạo ra chỉ trong vòng hai năm qua.
Dữ liệu đang đóng vai trò là nguồn nhiên liệu mới, đồng thời cũng là ranh giới tiếp theo cho sự đổi mới. Dữ liệu ngày càng có tầm ảnh hưởng lớn hơn khi các tổ chức hiểu được tầm quan trọng của việc tận dụng chúng trong việc hỗ trợ nhiều công việc, tạo ra các mô hình kinh doanh đa dạng và chuẩn bị để trở thành một phần của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tuy nhiên, không dễ để doanh nghiệp (DN) có thể quản lí tất cả khối dữ liệu đã được thu thập. Chúng thường bị phân tách trong các khu vực rời rạc - ở trong từng "kho" nội bộ và trên các đám mây riêng biệt. Một nghiên cứu gần đây của Forrester đã chỉ ra rằng 73% các tổ chức đang triển khai các chiến lược dữ liệu không đồng bộ, và 64% trong số họ vẫn đang đối phó với thách thức vận hành một cơ sở hạ tầng lai. Không có gì ngạc nhiên khi 70% các tổ chức coi việc đơn giản hóa các quy trình là ưu tiên quan trọng.
Chiến lược đa đám mây (multi-cloud)
Khi các tổ chức tìm cách thay thế những hệ thống lỗi thời và đơn giản hóa hoạt động kinh doanh của mình, họ thường lựa chọn sử dụng đám mây công cộng. Đám mây công cộng giúp cải thiện tính linh hoạt, tăng cường tốc độ ra thị trường, thúc đẩy đổi mới và khả năng mở rộng linh hoạt, tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng suất và việc ra quyết định dựa trên dữ liệu.
Tuy nhiên, công nghệ đám mây vẫn còn đang trong giai đoạn đầu phát triển. Các nhà phân tích ước tính rằng hiện tại việc ứng dụng đám mây trong công việc chỉ đang ở mức dưới 20% và phần lớn đều cho các phần việc không quan trọng. Điều này một phần do nhu cầu về cơ sở hạ tầng của các tổ chức hiếm khi giống nhau, vì vậy, khó có được một giải pháp chung phù hợp với tất cả. Hơn nữa, quá trình chuyển đổi cho các phần việc quan trọng, chẳng hạn như những kho dữ liệu giá trị của doanh nghiệp, là đặc biệt khó khăn.
Do đó, trong khi nhiều Giám đốc CNTT (CIO) mong muốn có được một cơ sở hạ tầng thống nhất và chuẩn hóa từ một hoặc hai nhà cung cấp chiến lược, thì thực tế cho thấy các ứng dụng cốt lõi của DN hiện nay, bao gồm cả các cơ sở dữ liệu (CSDL), lại đang bị phân tách rời rạc trên các đám mây công cộng, các nguồn tài nguyên lưu trữ nội bộ đã lỗi thời và các đám mây riêng.
Theo một khảo sát gần đây của Gartner, 81% người dùng đám mây công cộng đang sử dụng nhiều nhà cung cấp đám mây khác nhau và đang chạy chiến lược đám mây lai, đa đám mây hoặc kết hợp cả hai.
Đám mây lai (hybrid cloud) và đa đám mây (multi-cloud)
Đám mây lai là một khái niệm ngày càng phổ biến với DN. Công nghệ này là sự kết hợp của dịch vụ cơ sở hạ tầng đám mây công cộng với cơ sở hạ tầng đám mây riêng, thường dưới dạng các máy chủ nội bộ chạy phần mềm đám mây. Hai môi trường đám mây công cộng và nội bộ hoạt động độc lập và sẽ trao đổi với nhau bằng một kết nối được mã hóa thông qua Internet công cộng hoặc một liên kết riêng.
Trong khi đó, đa đám mây hoàn toàn là dịch vụ đám mây công cộng. Theo đó, cơ sở hạ tầng được xây dựng dựa trên nhiều nhà cung cấp đám mây hoặc trong các khu vực khác nhau trên cùng một đám mây.
Ưu điểm chính của giải pháp đa đám mây nằm ở việc các tổ chức và nhà phát triển ứng dụng có thể lựa chọn từ nhiều nhà cung cấp và sử dụng những phần phù hợp nhất với mục đích của mình. Vì vậy, Gartner ước tính rằng vào năm 2021, 75% các tổ chức vừa và lớn sẽ đã và đang áp dụng chiến lược đa đám mây.
Đặc biệt, đối với các tổ chức coi dữ liệu là một tài sản, việc có thể chọn lựa này rất quan trọng. Nó có thể giúp DN sử dụng các dịch vụ đám mây chính trong việc quản lí dữ liệu như tính toán hiệu năng cao và các dịch vụ mới cho phép tiếp cận các công nghệ mới, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML) và phân tích nâng cao. Đây chính là tiền đề để các tổ chức này xây dựng mô hình kinh doanh mới.
Các khó khăn cản đường
Tuy nhiên, trong khi việc sử dụng các ứng dụng đám mây đang ngày càng phổ biến và trở thành tiêu chuẩn, việc chuyển một số công việc lên đám mây công cộng đang đặt ra những vấn đề thực sự lớn. Đặc biệt, chuyển các CSDL quan trọng lên đám mây công cộng chung có thể đem lại những thách thức đáng kể. Quá trình này có thể gây ra các rủi ro kinh doanh liên quan đến hiệu suất, khả năng mở rộng, bảo mật, chủ quyền dữ liệu cũng như việc kéo dài độ trễ, dẫn đến thời gian chờ và chi phí mạng cao.
Hơn thế, việc cần phải cố gắng chuyển dịch lên đám mây trong khi vẫn đảm bảo tối ưu các dịch vụ đám mây công cộng theo đúng các nguyên tắc của mình có thể khiến các DN cảm thấy thực sự khó khăn.
Kiến trúc tiệm cận đám mây (Cloud Adjacency)
Những gì DN cần là một mô hình có thể vừa đảm bảo độ linh hoạt của công nghệ đám mây vừa có khả năng xử lý an toàn của hệ thống nội bộ. Một mô hình mới, "Kiến trúc Tiệm cận Đám mây", có thể trở thành giải pháp cho những tổ chức chưa hoàn toàn sẵn sàng mong muốn sử dụng đám mây công cộng.
Trên thực tế, công nghệ này lưu trữ dữ liệu trên phần cứng được trang bị sẵn đám mây, gần đám mây công cộng, giữa một mạng lưới trao đổi được kết nối toàn cầu của các trung tâm dữ liệu. Điều này cho phép các DN kết nối an toàn với đám mây cũng như các đối tác kinh doanh khác, đồng thời trực tiếp giảm độ trễ và chi phí mạng.
Bằng cách này, DN có thể giảm lưu trữ tại trung tâm dữ liệu, tận dụng quy mô và sự đa dạng của các dịch vụ đám mây công cộng hiện đại trong khi vẫn có quyền kiểm soát, đảm bảo độ chính xác và quyền sở hữu dữ liệu của các cơ sở hạ tầng nội bộ.
Kiến trúc này đem lại một chiến lược cụ thể dành cho các tổ chức:
• Đang cố gắng nâng cao sự linh hoạt trong phát triển sản phẩm và kinh doanh
• Đang cố gắng thoát khỏi việc tự quản lí trung tâm dữ liệu (bước đệm để dịch chuyển lên đám mây)
• Gặp khó khăn về quyền quản lý dữ liệu với các đám mây công cộng
• Đã chuyển lên đám mây và đang gặp các vấn đề về tích hợp ứng dụng và độ trễ
• Có phần công việc chuyên biệt cần chuyển lên gần đám mây
• Có các yêu cầu về hiệu suất, khả năng mở rộng và khả năng đặc biệt mà các nhà cung cấp đám mây không thể giải quyết
Hơn nữa, giải pháp tiệm cận đám mây này không làm thay đổi kiến trúc cơ sở hạ tầng, nghĩa là các công ty không cần thay đổi gì. Trên hết, khách hàng có thể chọn người quản lý dữ liệu – nhân sự của chính mình, một đối tác, hoặc một bên tích hợp các hệ thống, cũng như việc vận hành, giúp đem lại sự linh hoạt và giúp khách hàng nắm quyền kiểm soát dữ liệu của mình.
Tính linh hoạt này đối với các kiến trúc đa đám mây sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa chuyển đổi số và công nghệ này được kỳ vọng ứng dụng trong nhiều công việc khác nhau.
Một ví dụ điển hình là các sáng kiến về thành phố thông minh. Với sự phổ biến của các cảm biến, máy ảnh và các loại công nghệ khác, cơ sở hạ tầng đô thị của chúng ta đang thay đổi, từ hoàn toàn vật lý sang bao gồm cả dữ liệu và công nghệ. Sự giao thoa và hội tụ của thế giới số và thế giới thực đem đến cho những người điều khiển các sáng kiến thành phố thông minh một cơ hội đặc biệt. Ở đó, họ có thể nắm được các biến động của một địa điểm theo thời gian thực, sau đó sử dụng hiểu biết này để nâng cao chất lượng sống cho cư dân và DN thông qua việc cung cấp các dịch vụ mới hoặc tốt hơn. Quá trình này thường được triển khai dưới dạng một ứng dụng.
Tuy nhiên, để làm được điều này, chúng ta cần khai thác các dữ liệu đang bùng nổ, được lưu trữ trên các hệ thống khác nhau và thậm chí các đám mây khác nhau. Cách tiếp cận mới này có thể được ứng dụng để đem lại kết quả tốt nhất trong quá trình triển khai nhiều đám mây, giúp loại bỏ một số nhược điểm chính của sự phức tạp dữ liệu và thúc đẩy tiến độ các dự án mà có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể cho cuộc sống của chúng ta.
* Bài viết bởi Ông Han Chung Heng, Phó Chủ tịch Cấp cao Mảng Hệ thống, khu vực JAPAC và EMEA, Oracle.