Các hình thức ngụy biện thường gặp trong tư duy Logic (Phần 1)

Các hình thức ngụy biện thường gặp trong tư duy Logic (Phần 1)

Hình thức ngụy biện là gì và nó ảnh hưởng tới tư duy logic ra sao, chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây. 

Hãy tưởng tượng một ngữ cảnh sau đây:

A: Cô ca sĩ này hát dở thật! Không hiểu sao hát hò như vầy mà có thể trở thành ca sĩ được!

B: Bạn có hát được như người ta không mà nói? Hát được như người ta đi rồi có tư cách phán xét.

Tạm gọi nội dung nói của người A là lập luận 1 (argument 1) và của người B là lập luận 2 (argument 2), có thể thấy những cuộc tranh luận như thế này xuất hiện rất nhiều trong cuộc sống hằng ngày và trên mạng xã hội.

Nghe sơ qua argument 2 có vẻ thuyết phục và khó bị bắt bẻ được; tuy nhiên, lập luận này sẽ cực kì vô lí nếu ta đặt trường hợp người A là một nhà sản xuất âm nhạc, người mà, chúng ta đều biết, không cần phải có một giọng hát hay để có thể “đủ tư cách” đánh giá chất giọng của một ca sĩ. Vậy, cách lập luận của người B có lỗi và chúng ta dùng cụm từ nguỵ biện (fallacy) để miêu tả cách lập luận này.

Chúng ta có thể đã vô tình lướt qua các lỗi nguỵ biện ở khắp nơi trong đời sống hằng ngày như trong các cuộc đối thoại hay tranh cãi trực tiếp hoặc trên báo chí, TV, quảng cáo, thậm chí các phát ngôn của các ngôi sao và người nổi tiếng. Hầu hết những lập luận nguỵ biện thường được bao bọc bởi lớp vỏ ngoài của lý lẽ và sự thuyết phục.

Chính vì vậy, những lập luận nguỵ biện có thể bóp méo tư duy, đưa chúng ta đến những kết luận sai lầm. Vậy, nguỵ biện là gì và có những hình thức nguỵ biện như thế nào? Bài viết này sẽ đơn giản hoá các khái niệm, giải thích và đưa ví dụ về các hình thức nguỵ biện chúng ta có thể đã gặp và mắc phải trong giao tiếp hằng ngày và ngữ cảnh học thuật.

Ngụy biện là gì

Nguỵ biện logic, hay còn gọi tắt là nguỵ biện, là một lập luận mắc lỗi trong giải thích. Có rất nhiều các hình thức nguỵ biện và chúng thường rất phổ biến cũng như thoả đáng về mặt tâm lí. Có hai dạng nguỵ biện chính: nguỵ biện liên quan (fallacy of relevance) và nguỵ biện thiếu bằng chứng (fallacy of insufficient evidence).

  • Nguỵ biện liên quan xảy ra khi luận đề (argument) không liên quan một cách logic đến kết luận (conclusion);

  • Nguỵ biên thiếu bằng chứng xảy ra khi luận đề (argument) liên quan một cách logic đến kết luận (conclusion) nhưng lại thiếu bằng chứng cụ thể đủ thuyết phục (insufficient evidence).

Tổng quan về hình thức ngụy biện
Tổng quan về hình thức ngụy biện

Các hình thức ngụy biện thường gặp:

  • Ngụy biện công kích cá nhân

  • Ngụy biện công kích động cơ

  • Ngụy biển “Anh cũng thế”

  • Ngụy biện hai lần sai thành đúng

  • Ngụy biện lạm dụng quyền lực

  • Ngụy biện gây cảm giác tội lỗi

  • Ngụy biện đa số thắng thiểu số

  • Ngụy biện rơm

  • Ngụy biện cá trích

Khái quát về tính liên quan các hình thức ngụy biện

Để nắm được định nghĩa cụ thể của nguỵ biện liên quan, chúng ta phân tích cụ thể khái niệm “liên quan” trước và một lập luận như thế nào thì được cho là một lập luận “liên quan” tới kết luận. Cùng nhìn thử một ví dụ sau đây:

“Mike là một nhạc công. Nhạc công luôn chơi trống. Vậy Mike là người chơi trống.”

Ngược lại, ví dụ sau đây thể hiện sự không liên quan (negative relevance) giữa luận đề và kết luận:

“Luke thuận tay trái. Cho nên anh ta có thể đạp xe đạp bằng cả hai chân của mình.”

Phần luận đề dường như chống lại hoàn toàn kết luận, vì vậy có thể kết luận luận đề liên quan tiêu cực (negatively relevant) với kết luận. Và cuối cùng, có ví dụ như sau:

“Sam là một ca sĩ giỏi. Cho nên chúng ta không nên vứt rác khắp đường phố.”

Hoặc

“Sam là một ca sĩ giỏi. Cho nên anh ta có thể trở thành một chính trị gia xuất sắc.”

Kết luận dường như không thể được rút ra từ luận đề thiếu căn cứ như vậy. Với hai ví dụ này, ta nói luận đề không liên quan logic (logically irrelevant) đối với kết luận.

Một lần nữa, các nguỵ biện liên quan (fallacy of relevance) xảy ra khi người lập luận đưa ra luận đề không liên quan logic với kết luận.

Ngụy biện công kích cá nhân (Personal Attack/Ad Hominem)

Đây là nguỵ biên xuất hiện khi người nói chỉ tập trung vào việc tấn công vào người đang cùng tranh luận mà không cân nhắc nội dung tranh luận của người đó. Một ví dụ cụ thể để minh hoạ như sau:

A: Nhà hàng này nấu ăn dở quá!

B: Có nấu được như người ta không mà nói?

Ngụy biện công kích cá nhân (Personal Attack/Ad Hominem)
Ngụy biện công kích cá nhân (Personal Attack/Ad Hominem)

Hay một ví dụ thực tế hơn trong lĩnh vực chính trị:

“Ivanka Trump (con gái Tổng Thống Mỹ Donald Trump) tuyên bố ‘Chúng ta cần phải đẩy mạnh bình đẳng giới và trao cho phụ nữ quyền được nhận giáo dục và việc làm đầy đủ’. Tuy nhiên, bố cô ta là kẻ xem thường phụ nữ. Vậy lời nói của cô ta không đáng tin.”

Ở ví dụ 1, việc người A có quyền hay không có quyền chê thức ăn dở không liên quan tới việc người đó có cần phải biết nấu ăn hay không. Vậy, lập luận của người B thay vì phân tích vấn đề trong luận đề của người A, người này lại quay sang chỉ trích cá nhân việc người A có khả năng nấu ăn hay không.

Nhưng trên thực tế, cũng giống như lỗi ở phần ví dụ ban đầu, việc người A có nấu được hay không không liên quan tới sự phán đoán việc thức ăn nấu ngon hay dở của người đó. Vậy, lập luận của người B hoàn toàn là nguỵ biện.

Tương tự như thế, trong ví dụ thứ hai, dẫn chứng về cách cư xử của Donald Trump không liên quan tới tính đúng/sai trong lập luận của Ivanka Trump; chính vì vậy, nó không làm yếu đi tuyên bố của Ivanka Trump. Việc công kích cá nhân Ivanka Trump và phủ nhận lời nói của cô ấy là nguỵ biện.

Ngụy biện công kích động cơ (Attacking the motive) 

Đây là hình thức nguỵ biện khá tương đồng với nguỵ biện công kích cá nhân. Nguỵ biện công kích động cơ xuất hiện khi người nói đánh giá một lập luận của một người dựa trên động cơ đưa ra lập luận của người đó, thay vì xem xét giá trị của lập luận. Bên dưới là ví dụ cho hình thức tư duy logic thường gặp này:

Ví dụ

 Giáo sư X nói rằng chính phủ cần đầu tư thêm ngân sách cho các dự án khoa học trong nước để có thể thu hút các nhà khoa học trẻ triển vọng quay về cống hiến. Nhưng giáo sư X giữ chức vụ chủ chốt trong Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, dĩ nhiên ông ta sẽ kêu gọi đầu tư cho khoa học. Do vậy, chúng ta nên bỏ qua lời nói của giáo sư X.

Cách đưa ra lí lẽ của dạng nguỵ biện này là: X thiên vị hoặc có động cơ gây tranh cãi. Cho nên, chúng ta nên phủ nhận những gì X nói. Chúng ta không nên để cương vị và thiên hướng của một người ảnh hưởng lên quá trình đánh giá lập luận của anh ta.

Tuy nhiên, không phải tất cả các lập luận tấn công vào động cơ đều là nguỵ biện. Chúng ta cần phân biệt rõ trong một số trường hợp cụ thể, nếu cá nhân lập luận là sai và mục đích xuất phát từ việc tư lợi riêng thì việc đánh giá lập luận từ động cơ không phải là nguỵ biện.

Ví dụ

Vào năm 2015, người đứng đầu Uỷ ban Công chính và Môi trường Thượng viện Hoa Kỳ James M. Inhofe gọi biến đổi khí hậu là “trò bịp bợm vĩ đại nhất từng được biểu diễn trước người Mỹ”. Mọi cuộc vận động của ông ta đều nhằm làm suy yếu lòng tin của dư luận vào khoa học khí hậu và hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, ông ta là người hưởng lợi trực tiếp từ nhưng cuộc vận động sử dụng nhiên liệu hoá thạch khi các “ông lớn” trong ngành công nghiệp này luôn mạnh tay chi cho các dự án của ông. Đồng thời, hơn 90% các đầu báo khoa học uy tín vào thời điểm đó đều đưa ra các dẫn chứng thuyết phục về sự biến đổi khí hậu. Vậy, lí lẽ ông đưa ra đều chứa những hạt sạn rất lớn.

 Trong ví dụ trên, người nói không hề nguỵ biện. Chúng ta có thể thấy người đưa ra lập luận không những đưa ra việc suy đoán từ động cơ “ông Inhofe hưởng lợi từ việc này” mà còn suy xét tính xác thực của lập luận ông ta nói “việc nóng lên toàn cầu là một sự thật được nhiều nguồn khoa học đáng tin cậy chứng minh”.

→ Có thể thấy, để tránh lỗi ngụy biện công kích nói chung, khi đưa ra lập luận chúng ta cần suy xét cả nội dung của luận đề chứ không chỉ mỗi động cơ của người nói. 

Ngụy biện “Anh cũng thế” (Look who’s talking/ Tu quoque) 

Ngụy biện “Anh cũng thế”

Người mắc phải lỗi nguỵ biện này khi cố gắng chối bỏ lí lẽ của một người đưa ra vì lí do anh ta không làm đúng như những gì anh ta nói. Lỗi tư duy logic này phổ biến tới mức đôi lúc chúng ta cũng không nhận ra chúng ta đang nguỵ biện. Sau đây là một vài ví dụ minh hoạ.

Ví dụ 1

Bố: Con trai à, đừng hút thuốc nhé, rất có hại cho sức khoẻ đấy!

Con: Ơ, nhưng bố cũng hút mà? Tại sao con phải nghe theo chứ?

 Ví dụ 2

Mẹ: Con gái à, con nên suy xét kĩ việc lập gia đình vào lúc này, con chỉ mới 18 tuổi và còn quá trẻ. Điều này có thể làm ảnh hưởng tới sức khoẻ, việc học tập và sự nghiệp của con sau này đấy.

Con: Nhưng mà mẹ lấy bố và sinh ra con vào năm 18 tuổi đấy thôi? Tại sao con phải nghe theo chứ?

 Mô típ của người mắc lỗi nguỵ biện này là: X đưa ra lời khuyên nhưng lại không sống đúng với lời khuyên đó. Vì vậy, lời nói của X vô giá trị. Nguỵ biện “Anh cũng thế” sai bởi vì một lập luận không nên đánh giá là đúng hay sai nếu chỉ dựa vào việc người nói có thực hiện nó hay không.  Độ xác đáng của một lập luận phải được đánh giá dựa vào đúng bản chất của câu nói. 

Tuy nhiên, điều đó không có gì là sai nếu chúng ta phán xét hành vi đạo đức giả của một người vì anh ta không thực hiện đúng với lời khuyên anh ta đưa ra cho người khác.

Ví dụ 3

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đưa ra các công bố quyết tâm giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu bằng cách cắt giảm lượng khí thải carbon. Tuy nhiên, chỉ sau những tuyên bố đó vài giờ, bà được chứng kiến bước lên một chiếc máy bay riêng 19 chỗ ngồi với khả năng đốt cháy nhiên liệu (347 ga lông mỗi giờ) hơn hẳn các dòng máy bay khác. Có thể thấy điều này đã khiến cho vị chính trị gia bị nhiều người chỉ trích là đạo đức giả.

Ở ví dụ này, người nói không chối bỏ lập luận về việc bảo vệ môi trường của Hillary Clinton mà chỉ chỉ ra hành động được xem là đạo đức giả của bà ta. Vậy, không có lỗi nguỵ biện nào mắc phải ở đây.

Ngụy biện hai sai thành một đúng (Two wrongs make a right) 

Tương tự như lỗi nguỵ biện “Anh cũng thế”, người thực hiện nguỵ biện hai sai thành một đúng đưa ra lập luận bao biện cho một hành động sai trái bằng cách chỉ ra những hành động khác cũng sai trái không kém. Đây là một loạt các ví dụ chúng ta có thể gặp trong đời sống hàng ngày.

Ví dụ 1

A: Sao lại đi học muộn thế, giờ bắt đầu là nửa tiếng trước cơ mà.

B:Có sao đâu? Mọi người đều như trễ cả mà?

Ví dụ 2

Tại sao lại bắt tôi hả anh cảnh sát? Ai cũng vượt đèn đỏ hết mà?

Ví dụ 3

Cô giáo: Tại sao em lại gian lận trong bài kiểm tra?

Học sinh:  Nhưng bạn lớp trưởng cũng làm vậy mà cô?

Ví dụ 4

Cảnh sát điều tra: Cô X, tại sao cô lại thực hiện hành vi mua bán dâm bất hợp pháp?

Người mẫu X: Em thấy người mẫu bạn em ai cũng làm vậy hết cả.

Đây là lỗi tư duy logic phổ biến mà hầu hết chúng ta đều từng mắc phải. Tuy nhiên, chân lý vẫn là chân lý. Cho dù những ngụy biện của bạn có vẻ hợp lý đến đâu cũng không thể nào dùng để bào chữa cho những hành vi sai trái. Chính vì thế, trước khi đánh đồng một lỗi sai phổ biến để trở thành lời ngụy biện cho chính mình, người đọc hãy suy nghĩ thật kỹ để tránh mắc lỗi sai trong lối ngụy biện này.

Tổng kết

Trong phần tiếp theo của chuỗi bài viết về ngụy biện, tác giả sẽ tiếp tục giới thiệu những hình thức ngụy biện phổ biến thường gặp trong tư duy logic hàng ngày. Đó là: Ngụy biện lạm dụng quyền lực, ngụy biện lợi dụng lòng thương hại và ngụy biện gây cảm giác tội lỗi. Mời tất cả cùng đón đọc!  

Ngân Lâm