Chữ T.E.A.M là viết tắt của cụm từ Together Everyone Achieve More, có nghĩa là mọi người cùng nhau đóng góp để gặt hái nhiều hơn.
Mỗi năm, các tổ chức, đoàn thể hay một công ty doanh nghiệp nào dù có ít hay đông nhân viên thì đều dành ra một phần ngân quỹ khá lớn cho từ 1 đến 2 thậm chí là 3 chương trình team building như một cách thay thế cho các khóa học huấn luyện nhân sự.
Team building là gì?
Team building là hoạt động xây dựng đội ngũ, nói một cách dễ hiểu, đây là cách tốt nhất để biến một nhóm làm việc đơn lẻ thành một đội làm việc hiệu quả và theo một mục tiêu chung. Hoạt động team building chính là mô phỏng những khó khăn, trở ngại mà các doanh nghiệp, công ty hay những đoàn thể tổ chức có thể gặp phải trong quá trình phát triển của mình. Từ những mô phỏng đó mà ban lãnh đạo cũng như nhân viên sẽ tự rút ra được những bài học cho bản thân và cho tập thể và áp dụng hiệu quả vào quá trình làm việc và phát triển của mình.
Team building mang lại các lợi ích thiết thực gì?
Đối với cá nhân
- Rèn luyện cách quản lý thời gian
- Rèn luyện tính cẩn thận, kiên nhẫn
- Cải thiện mối quan hệ
- Phát huy thế mạnh của bản thân, tự điều chỉnh và hoàn thiện thiếu sót
- Phát huy khả năng giao tiếp, lãnh đạo
Đối với tập thể, doanh nghiệp
- Cải thiện tinh thần làm việc nhóm của các thành viên
- Cải thiện hiệu suất công việc
- Xây dựng văn hóa doanh nghiệp
- Truyền thông nội bộ công ty
Riêng đối với các nhà lãnh đạo, quản lý, thông qua hoạt động này, nhà lãnh đạo sẽ phát hiện những tính cách, năng lực, sở trường của từng các nhân để quản lý nguồn nhân sự tốt hơn.
Tổ chức team building là một hoạt động tập thể đang ngày một phổ biến và được ưa chuộng ở mọi tập thể và tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp. Đi kèm với sự phổ biến đó thì tính chất của hoạt động bổ ích này lại dần bị biển đổi và khiến người tham gia hiểu không đúng thậm chí còn có thái độ thờ ơ và coi đây là hoạt động vô bổ tốn thời gian và tiền bạc. Vậy hiểu thế nào cho đúng về hoạt động team building?
Các chương trình team building, từ góc nhìn của người tham dự hay của người thiết kế và triển khai chương trình cũng nên thừa nhận một điều, đó là cần phải có một cách hiểu và cách làm team building sao cho hiệu quả.
Đối với nhà quản trị, team building thực sự là công cụ quan trọng để văn hóa doanh nghiệp được đội ngũ nhận biết, nắm rõ, tin tưởng, cảm thấy truyền động lực và sống với những giá trị ấy. Hoặc đối với nhân viên, team building là cơ hội để mỗi người tự khám phá chính mình bên cạnh việc thấu hiểu đồng đội, góp phần hình thành một đội ngũ vững mạnh. Để làm được như thế đòi hỏi đơn vị thiết kế và triển khai chương trình team building phải có một cách nhìn chuẩn xác, thấu hiểu về văn hóa doanh nghiệp, phát triển năng lực con người và đội ngũ bên cạnh sở hữu một êkip với công nghệ tổ chức chuyên nghiệp.
Có những doanh nghiệp đưa ra sáng kiến họp lãnh đạo cấp cao và cấp trung trong thời gian diễn ra kỳ nghỉ hè của công ty, tất cả đều trong trang phục dã ngoại cùng tham gia họp không theo một hình thức nào, họ chia sẻ những kinh nghiệm quản lý và cùng đặt cho nhau những câu hỏi. Kết thúc buổi họp là những bức ảnh tập thể với những khoảnh khắc sáng tạo, đáng nhớ. Nhờ tận dụng kỹ thuật 2 trong 1, hoạt động nghỉ mát thực sự đạt được nhiều mục tiêu. Không có nhiều công ty có những sáng kiến này.
Ai có thể tham gia team building?
Team building phải là một hoạt động không những "relax" cho nhân viên mà còn mang tính đa dạng trong cách làm, sáng tạo và linh hoạt. Không nên biến team building thành một cuộc thi tài năng, khiến cho những nhân viên không có tài lẻ cảm thấy tự ti và không muốn tham gia những buổi team building lần sau.
MC là một người chuyên nghiệp và hoạt ngôn, nhưng cũng có thể "cây nhà lá vườn". Nhưng tất cả kịch bản phải đảm bảo chất lượng, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Khuyến khích nhưng không bắt ép các nhân viên phải tham gia thử thách (trí tuệ, vận động...).
Đối với các team dự án, có thể tiến hành các hoạt động team buiding nhỏ vào dịp cuối tuần, thí dụ "chia nhóm bắn súng sơn", hoặc nếu không thể đi xa, thì một bữa liên hoan buổi tối cũng có thể gắn kết các thành viên rất hiệu quả.
Đối với toàn công ty, hoạt động team building thường tốn kém hơn, với những chuyến tổng kết cuối năm ở resort, khách sạn.... Để tinh gọn, nhiều doanh nghiệp chọn cách độc đáo mà vẫn hiệu quả, thí dụ: tổ chức chơi bowling và cùng nhau ăn uống buffet. Bowling là hoạt động team building rất hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới, nhưng không hiểu sao Bowling không phổ biến ở Việt Nam nếu so với các hoạt động giải trí khác như Karaoke.
Mặt trái của team building
Trong thực tế, từ “team building” hiện đang bị các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ lẫn các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hiểu chưa chuẩn, thiếu chiều sâu dẫn đến cách triển khai tương đối hời hợt, không đạt được mục đích.
Đối với các doanh nghiệp cung cấp, chữ “building” đang được nhìn rất nhẹ, chỉ đơn giản là làm sao để mọi người vui vẻ, gắn kết với nhau là được. Gắn kết đội ngũ là một trong những mục đích quan trọng của team building, nhưng một lần nữa, cách nhìn nhận về điều này còn hạn chế khiến công tác thiết kế và triển khai chưa thực sự hiệu quả.
Thử hình dung đơn giản thế này, hãy nghĩ đến một người nào đó mà bạn cảm thấy thực sự gắn kết với họ. Phải chăng bạn thấy gắn kết vì họ vui vẻ với bạn? Hay họ đối xử tốt với bạn? Chưa hẳn mặc dù những điều ấy cần. Để gắn kết với ai đó, bạn và người ấy thực sự thấu hiểu nhau. Nghĩa là đòi hỏi bạn và người này phải thực sự sống với giá trị thật của mình, tìm được những điểm tương đồng về hệ giá trị và tư tưởng. Sẽ không thể gắn kết nếu cả hai không chịu mở lòng, không có suy nghĩ tốt về nhau, không sẵn sàng tha thứ những lỗi lầm trong quá khứ, và quan trọng hơn hết, không sẵn sàng chấp nhận, tôn trọng sự khác biệt và nét riêng của mỗi người để cùng chung hướng bước.
Như vậy, gắn kết bản chất của nó không đến từ việc vui hay không vui, mà phải từ sự cởi mở giữa hai tâm hồn có nhiều điểm khác biệt nhưng được đặt trong một vòng chung rộng hơn.
Một ví dụ nhỏ như thế cho chúng ta thấy rằng, việc gắn kết hai con người không đơn giản, huống chi là gắn kết một đội ngũ trong công việc. Do đó, các hoạt động team building không thể hời hợt và chỉ có vui chơi được. Đó phải là những trải nghiệm mang tính huấn luyện, giúp người tham dự tự khám phá về bản thân mình và đồng đội, từ đó khai mở những điều mà môi trường làm việc hàng ngày ít cho chúng ta cơ hội nhìn thấy.
Nhưng “gắn kết” chưa phải là mục đích cuối cùng của team building. Gắn kết chỉ là bước khởi đầu cho quá trình xây dựng và phát triển một đội ngũ vững mạnh. Từ “team building” ở đây nghĩa là như thế. Để có đội ngũ vững mạnh, ngoài sự gắn kết còn phải là một đội ngũ chung lòng, chung mục tiêu, biết phối hợp làm việc với nhau một cách nhuần nhuyễn dựa trên sự thấu hiểu điểm mạnh, điểm yếu và năng lực cốt lõi của từng người để bổ khuyết cho nhau; đó phải là một tập thể có cá tính riêng nhưng biết đặt trên một nền tảng văn hóa chung, được xây dựng dựa trên những nguyên lý phổ quát. Đó là kết quả của xây dựng và củng cố văn hóa doanh nghiệp. Và team building là một trong những công cụ quan trọng để làm việc ấy. Bên cạnh đó, team building còn là cơ hội lớn để rèn luyện các năng lực lãnh đạo, giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo trong công việc,…
Đối với doanh nghiệp sử dụng dịch vụ team building, nếu không hiểu đúng, hiểu đủ thì chính chúng ta đang lãng phí tiền bạc và công sức của mình. Chúng ta đầu tư một khoản tiền khá lớn nhưng chính mình cũng không rõ mục đích đầu tư là gì, rồi phó mặc hoàn toàn cho đơn vị tổ chức là điều nhiều doanh nghiệp đang vướng phải.
Hiểu đúng và đủ để có kỳ vọng hợp lý, đồng thời cũng thấy rõ vai trò của mình trong việc đồng hành cùng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứ không thể phó mặc hết cho họ. Chỉ có như thế, hoạt động team building mới không bị được xem là chi phí, mà ngược lại chính là khoản đầu tư xứng đáng và cần ưu tiên trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp và tạo dựng đội ngũ hùng mạnh.
Tổng hợp